Đề tài: “Nghiên cứa đặc điểm và tính kế thừa của hệ thống chính sách, pháp luật đất đai từ năm 1945 đến nay nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đất đai ở việt nam”

Đăng lúc: Thứ hai - 27/10/2014 04:20 - Người đăng bài viết: Nguyễn Thị Kim Ngân

1. Tên nhiệm vụ: Đề tài: “Nghiên cứa đặc điểm và tính kế thừa của hệ thống chính sách, pháp luật đất đai từ năm 1945 đến nay nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đất đai ở Việt Nam”
2. Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Viện Nghiên cứu Quản lý đất đai
3. Họ và tên chủ nhiệm đề tài: ThS. Nguyễn Thị Song Hiền
4. Nhóm tham gia đề tài:
- TS. Nguyễn Đình Bồng
- ThS. Vũ Thắng Phương
- CN. Nguyễn Xuân Trọng
5. Mục tiêu của đề tài:
Hệ thống hoá các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đất đai từ năm 1945 đến nay. Nghiên cứu đặc điểm và tính kế thừa của hệ thống chính sách, pháp luật đất đai từ năm 1945 đến nay. Rút ra những kinh nghiệm nhằm xây dựng cơ sở lý luận và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đất đai ở Việt Nam.
6. Kết quả thực hiện (tóm tắt)
- Việc xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật đất đai đúng đắn là một trong những vấn đề quan trọng của cách mạng nước ta. Có thể thấy rằng đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước về chính sách, pháp luật đất đai là một trong những tiền đề cho công cuộc đổi mới trong nông nghiệp cũng là khởi đầu cho việc phục vụ phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện. Để phù hợp với đường lối phát triển của từng giai đoạn, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, không ngừng xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu của từng thời kỳ từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến cách mạng xã hội chủ nghĩa.
- Bên cạnh những thành tựu đạt được, trong những năm gần đây, khi nền kinh tế chuyển sang kinh tế thị trường, chính sách đất đai đã bộc lộ một số những khiếm khuyết, thiếu sót cả về hình thức và nội dung. Việc thực hiện các quyền chiếm hữu, định đoạt và hưởng lợi từ đất đai của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai chưa được thực chất, còn gặp không ít khó khăn; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn mang tính hình thức, đang dựa trên nhu cầu sử dụng đất của các cấp, các ngành mà chưa dựa trên tiềm năng và lợi thế của đất đai; chính sách quản lý và sử dụng đất vẫn còn nặng về hành chính, bao cấp, tuy có chuyển đổi nhưng chưa đủ độ sang cơ chế thị trường nên chưa tương thích với nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; việc phân cấp mạnh và triệt để cho địa phương đã làm phát sinh nhiều bất cập; cơ chế thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cũng còn nhiều tồn tại, gây bức xúc trong nhân dân dẫn đến khiếu kiện kéo dài; việc điều tiết giá trị gia tăng của đất chưa được quy định rõ; chế độ sử dụng các loại đất chưa hợp lý, là nguyên nhân gây ra tình trạng manh mún, chia nhỏ trong sử dụng đất cả ở khu vực đô thị và canh tác nông nghiệp; các yêu cầu về môi trường, kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng chưa được lồng ghép, cân nhắc đầy đủ trong các quy định của chính sách, pháp luật đất đai.
- Nhà nước ta đã có Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp 1992. Thể chế hóa các chính sách đất đai của Đảng và cụ thể các quy định của Hiến pháp, Quốc Hội nước ta từ Khóa I (1946) đến Khóa XI (2006-2010) đã ban hành hệ thống văn bản pháp luật đất đai, phù hợp với tình hình, nhiệm vụ cách mạng nước ta trong từng thời kỳ trọng tâm thông qua Luật Đất đai 1987, Luật Đất đai 1993, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luất Đất đai năm 1998, 2001, Luật Đất đai 2003. Chọn lọc và kế thừa trong cả đường lối chủ trương của Đảng, hệ thống pháp luật đất đai và trong chế tài thực hiện, điển hình là duy trì chế độ sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước thống nhất quản lý, Nhà nước giao đất cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài, được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật..., đồng thời chính sách, pháp luật về đất đai đã phát triển thêm những quy định mới đáp ứng kịp thời các vấn đề cuộc sống đang đặt ra; như: Làm rõ quyền của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai; Thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu đất đai phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Thu hẹp khoảng cách, tạo bình đẳng hơn giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước; Phát huy vai trò của tòa án trong giải quyết các tranh chấp dân sự và các khiếu kiện hành chính về đất đai,...
- Trước những yêu cầu mới về chính sách, quản lý, sử dụng đất đai cũng như các định hướng, quan điểm phát triển ngành, trên cơ sở đánh giá những tồn tại, bất cập của chính sách, pháp luật đất đai hiện hành, những phân tích đánh giá về các bất cập giữa chính sách đất đai với các chính sách liên quan, tham khảo kinh nghiệm về chính sách, pháp luật đất đai của một số nước, cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đất đai Việt Nam theo hướng cung cấp quyền về đất đai có đảm bảo, giảm các chi phí liên quan đến những giao dịch về đất, xây dựng cơ sở hạ tầng để gia tăng giá trị của đất và cung cấp mạng lưới an sinh để tránh việc phải bán tháo đất đai, giải quyết thỏa đáng vấn đề đền bù giải tỏa, tái định cư.
- Đề tài đã đưa ra một số đề xuất cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2003 về: sở hữu đất đai; phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai và các Luật liên quan; quy hoạch kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường tái định cư; tài chính đất đai; đăng ký đất đai; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
7. Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc: Tháng 5/2010 - 10/2011
8. Kinh phí thực hiện:1.423.520.000 đồng

Những tin cũ hơn