Đề tài: "Nghiên cứu thực trạng và đề xuất các giải pháp quản lý, sử dụng đất nông nghiệp trong khu dân cư vùng đồng bằng sông hồng"
Đăng lúc: Thứ năm - 16/10/2014 04:39
- Người đăng bài viết: Nguyễn Thị Kim Ngân
1. Tên nhiệm vụ: Đề tài: "Nghiên cứu thực trạng và đề xuất các giải pháp quản lý, sử dụng đất nông nghiệp trong khu dân cư vùng Đồng bằng Sông Hồng"
2. Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Trung tâm Điều tra, Đánh giá tài nguyên đất 3. Họ và tên chủ nhiệm đề tài: ThS. Trịnh Văn Toàn 4. Nhóm tham gia đề tài: - ThS. Nguyễn Tuấn Tú - KS. Phùng Quang Hiệp - ThS. Nguyễn Văn Sinh - CN. Nguyễn Vân Anh - ThS. Lê Tuấn Anh - CN. Đào Thị Hồng Hạnh 5. Mục tiêu của đề tài: - Đánh giá thực trạng quản lý, sử dụng đất nông nghiệp trong khu dân cư và làm rõ những nguyên nhân dẫn đến sử dụng đất nông nghiệp kém hiệu quả trong khu dân cư. - Đề xuất giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả diện tích đất nông nghiệp trong khu dân cư vùng đồng bằng sông Hồng. 6. Kết quả thực hiện (tóm tắt) - Vùng đồng bằng sông Hồng là vùng đất chật người đông, đất nông nghiệp trong khu dân cư nông thôn và đô thị chiếm tỷ lệ không lớn, chúng vừa có đặc điểm chung, vừa có đặc điểm riêng đó là: liền kề với đất ở, nhà ở; tiện lợi cho việc trồng cấy, chăm sóc, bảo vệ; ranh giới đôi khi không tách biệt rõ ràng; quy mô nhỏ, xen kẽ;... Loại đất này vừa có những quy định chung của các loại đất nông nghiệp bình thường khác, vừa có các quy định riêng mang tính đặc trưng như vừa được công nhận là đất ở, vừa là đất nông nghiệp bình thường; quy định để tính bồi thường, hỗ trợ cũng khác đất nông nghiệp ngoài đồng ruộng. - Thực trạng quản lý sử dụng đất nông nghiệp nói chung và đất nông nghiệp khu dân nói riêng của các địa phương trong vùng những năm qua đã có chuyển biến tích cực. Với việc giao đất ổn định lâu dài cho hộ gia đình cá nhân; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; lập quy hoạch sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất,... đã làm cho việc quản lý đất đai tại các địa phương ngày càng chặt chẽ, đảm bảo đúng pháp luật. Qua đó đã giúp cho người dân yên tâm đầu tư sản xuất, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao như trồng rau, hoa, cây cảnh, cây ăn quả đặc sản,…xuất hiện ngày càng nhiều, góp phần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, tăng nguồn thu cho ngân sách, phát triển kinh tế của địa phương, giữ vững trật tự an toàn xã hội và cải thiện đời sống của người dân. - Bên cạnh đó, thực trạng quản lý sử dụng đất nông nghiệp trong khu dân cư của vùng những năm qua còn nhiều tồn tại bất cập đó là: chất lượng quy hoạch sử dụng đất thấp, chưa trở thành công cụ đắc lực cho việc giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tình trạng giao đất, cho thuê đất không đúng thẩm quyền còn diễn ra ở khá nhiều nơi; công tác đo đạc lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận lần đầu đến nay chưa hoàn thành, việc cập nhật, chỉnh lý biến động chưa thường xuyên; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn chậm và kéo dài,…dẫn đến tình trạng tranh chấp, khiếu kiện đông người về đất đai có xu hướng ngày gia tăng gây mất an ninh, trật tự xã hội. Đất nông nghiệp trong khu dân cư quá nhỏ lẻ, phân tán không đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa, đôi khi chịu nhiều tác động của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa nên sản xuất kém hiệu quả; nhiều diện tích đất nông nghiệp xen kẹt, nhất là tại các đô thị lớn, gần các khu công nghiệp còn để hoang hóa, chưa kể đến nhiều diện tích đất nông nghiệp đã được thu hồi cho các mục đích phi nông nghiệp nhưng để cỏ mọc nhiều năm trong khi người dân lại không có đất sản xuất, gây lãng phí lớn nguồn tài nguyên đất đai; tình trạng lấn chiếm, chuyển mục đích trái phép vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi trong vùng. - Nguyên nhân của các tồn tại trên đó là chính sách, pháp luật về đất đai thường xuyên thay đổi, còn thiếu đồng bộ; giá đất bồi thường thấp hơn nhiều so với giá đất trên thị trường; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người sử dụng đất còn hạn chế; chưa được sự quan tâm đúng mức của các cấp chính quyền. Bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý về đất đai ở các cấp, nhất là cấp xã phường còn hạn chế; quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa cao,…đã tạo ra một diện tích đất nông nghiệp không nhỏ nằm xen kẽ giữa khu dân cư và khu công nghiêp, khu đô thị do hệ thống thủy lợi bị phá vỡ thiếu nguồn nước tưới; nhiều diện tích bị ô nhiễm ,... dẫn đến phải để hoang hóa; … - Trên cơ sở thực trạng quản lý sử dụng đất nông nghiệp trong khu dân cư, những nguyên nhân của những bất cập giữa chính sách quản lý nhà nước và thực tế sử dụng đất tại địa phương; những quan điểm chủ trương của Đảng và Nhà nước về vấn đề nông nghiệp nông thôn trong thời gian tới, đề tài đã đề xuất hai nhóm giải pháp về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp trong khu dân cư ...nhằm đảm bảo sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả và bền vững loại đất này đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới và đô thị xanh, văn minh hiện đại. 7. Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc: Tháng 5/2011 - 12/2012 8. Kinh phí thực hiện: 1.164.460.000 đồng