Dự án: Hoàn thiện và Hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam (dự án VLAP)

Đăng lúc: Chủ nhật - 23/09/2018 15:02 - Người đăng bài viết: Pham Đức Thắng

Mục tiêu chính của dự án VLAP là “tăng cường sự tiếp cận của mọi đối tượng đối với dịch vụ thông tin đất đai qua việc phát triển một hệ thống quản lý đất đai hoàn thiện ở các tỉnh, thành phố được lựa chọn ở Việt Nam”. Mục tiêu này sẽ giúp cho toàn bộ người sử dụng đất có thể tiếp cận một cách hiệu quả hơn, tin cậy hơn và minh bạch hơn tới các dịch vụ quản lý đất đai
Dự án được triển khai tại chín tỉnh/thành phố đại diện cho ba vùng kinh tế
- xã hội khác nhau tại Việt Nam, đó là:
- Miền Bắc: các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình và Hà Tây (sau này được sát nhập vào Thành phố Hà Nội);
- Miền Trung: các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa và Quảng Ngãi;
- Miền Nam: các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long.
1. Mục tiêu của dự án và các hợp phần
Mục tiêu chính của dự án VLAP là “tăng cường sự tiếp cận của mọi đối tượng đối với dịch vụ thông tin đất đai qua việc phát triển một hệ thống quản lý đất đai hoàn thiện ở các tỉnh, thành phố được lựa chọn ở Việt Nam”. Mục tiêu này sẽ giúp cho toàn bộ người sử dụng đất có thể tiếp cận một cách hiệu quả hơn, tin cậy hơn và minh bạch hơn tới các dịch vụ quản lý đất đai. Để thực hiện mục tiêu này, Dự án đã tập trung thực hiện 03 Hợp phần chính đó là:
Hợp phần 1: Hiện đại hóa hệ thống đăng ký đất đai
Hợp phần này sẽ xây dựng một hệ thống thông tin hoàn chỉnh, thông dụng và chính xác tạo nền tảng chuyên môn cho công tác quản lý đất đai thông qua các hoạt động:
(a) hoàn thiện và cập nhật hệ thống bản đồ địa chính;
(b) hoàn thiện và cập nhật hồ sơ đăng ký đất đai;
(c) thực hiện các nghiên cứu chính sách để hỗ trợ hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai.
Hợp phần 2: Tăng cường cung cấp dịch vụ đăng ký đất đai
Hợp phần này sẽ hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật, nguồn lực quản trị hệ thống và nâng cao nhận thức pháp luật của người sử dụng đất, thông qua các hoạt động:
(a) cải thiện cung cấp dịch vụ ở các Văn phòng đăng ký đất đai;
(b) tăng cường tiếp cận dữ liệu đất đai thông qua các VPĐK;
(c) thực hiện chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích thông tin đất đai, tham gia vào các quá trình hoàn thiện, cập nhật hồ sơ đất đai và khảo sát đo đạc.
Hợp phần 3: Hỗ trợ công tác quản lý, theo dõi và đánh giá dự án
Hợp phần này hỗ trợ việc thực hiện tổng thể của toàn dự án thông qua việc tăng cường năng lực quản lý, theo dõi và đánh giá dự án (M&E). Hoạt động này cũng bao gồm việc xây dựng và cung cấp các khóa đào tạo, chương trình xây dựng năng lực cho tất cả các cấp.
2. Các thành tựu của Dự án
Về cơ bản các mục tiêu của Dự án đã được đáp ứng, với kết quả nổi bật đó là đóng góp vào việc xây dựng hệ thống quản lý đất đai của quốc gia, mang lại những lợi ích cho người sử dụng đất, thể hiện bởi 3 chỉ số đánh giá hoạt động chính (KPI) được xây dựng để đánh giá sự tiếp cận của các bên liên quan tới thông tin
đất đai:
 Chỉ số 1: Phần trăm thửa đất đã được cấp giấy, là chỉ số cho sự sẵn sàng của thông tin đất đai hoàn chỉnh tính pháp lý và tin cậy
 Chỉ số 2: Số Văn phòng đăng ký đất đai được hiện đại hóa và đạt chuẩn cung cấp dịch vụ;
 Chỉ số 3: Thời gian trung bình cần có để thực hiện một giao dịch
Vào thời điểm kết thúc dự án,
Chỉ số 1 đã cơ bản hoàn thành. Khoảng 77% thửa đất đo đạc đã được cấp Giấy chứng nhận; 3.438.352 thửa đất đã được lập hồ sơ địa chính (mục tiêu là 3.300.000) để xét duyệt cấp giấy chứng nhận, trong đó 3.007.576 Giấy chứng nhận đã được ký, đã tổ chức trao 2.403.164 Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất.
Chỉ số 2 74 VPĐK (so với mục tiêu là 50 VPĐK) đã được hiện đại hóa và đạt chuẩn cung cấp dịch vụ.
Chỉ số 3 thời gian trung bình cần có cho một đăng ký chuyển nhượng hoặc thế chấp đã được giảm đáng kể, theo đó thời gian được giảm như sau:
- Chuyển nhượng - từ 44 ngày xuống còn 12,2 ngày.
- Đăng ký thế chấp - từ 11 ngày xuống còn 1,3 ngày.
- Cấp Giấy chứng nhận lần đầu - từ 55 ngày xuống còn 19,2 ngày. Cụ thể, Vĩnh Long, Bến Tre và Hà Nội đạt tỷ lệ cao nhất về diện tích được đo đạc so với mục tiêu của Dự án. Quảng Ngãi, Bến Tre và Khánh Hòa đạt tỷ lệ số Giấy chứng nhận được cấp cao nhất. Thời điểm kết thúc Dự án, Vĩnh Long đã liên thông được tất cả đơn vị cấp xã thông qua dịch vụ viễn thông, thông tin bằng tin nhắn tới người sử dụng đất do đó đây là địa bàn có mô hình vận hành tốt nhất và bền vững nhất trong cung cấp dịch vụ đất đai.