Bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên đất trong xu hướng công nghiệp hóa

Đăng lúc: Thứ ba - 31/10/2017 12:14 - Người đăng bài viết: Lê Minh Thùy

Bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên đất trong xu hướng công nghiệp hóa

Bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên đất trong xu hướng công nghiệp hóa

Đất đai có hạn về diện tích, có nguy cơ bị suy thoái dưới tác động của thiên nhiên và quá trình sử dụng đất của con người.  Để có được giải pháp nâng cao hiệu quả đánh giá tiềm năng đất đai nhằm sử dụng hợp lý và bảo vệ nguồn tài nguyên đất phục vụ phát triển kinh tế, xã hội trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Việt Nam, Tổng cục Quản lý đất đai đã thực hiện nghiên cứu đề tài khoa học ‘Nghiên cứu cơ sở lý luạn và thực tiễn của việc đánh giá tiềm năng đất đai nhằm góp phần sử dụng hợp lý và bảo vệ nguồn tài nguyên đất trong quá trình CNH – HĐH ở Việt Nam”.
Sử dụng hợp lý, bền vững tài nguyên đất nông nghiệp trong quá trình CNH - HĐH
Sử dụng hợp lý, bền vững tài nguyên đất nông nghiệp trong quá trình CNH - HĐH
 
Với diện tích tự nhiên là 33,1 triệu ha, dân số khoảng  gần 90 triệu người, nhiều năm qua, chúng ta đã sử dụng đất không hợp lý, cùng với quá trình thổ nhưỡng đặc trưng do tác động của các yếu tố tự nhiên đã làm cho đất Việt Nam đang trong quá trình thoái hoá, tiềm năng đất đai đang giảm sút. Muốn sử dụng đất một cách hợp lý, bảo vệ và bồi dưỡng đất con đường tất yếu phải đi là đầu tư theo chiều sâu, mà trước hết cần phải xác định đúng tiềm năng đất đai từ đó là căn cứ cho việc xây dựng định hướng cũng như đưa ra các giải pháp nhằm sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên đất cho các mục đích sử dụng. 
 
Qua quá trình thu thập các tài liệu nghiên cứu về đất đai cho thấy, Việt Nam hiện đang sử dụng phương pháp đánh giá đất của FAO để đánh giá tiềm năng đất đai và đã có những quy định về vấn  đề này (đối với đất nông nghiệp). Tuy nhiên, công tác đánh giá tiềm năng đất đai vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Hệ thống các văn bản pháp luật hiện nay mới chỉ quy định về trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước và đề ra một số nguyên tắc trong quá trình đánh giá tiềm năng đất đai, chưa đưa ra được quy trình cụ thể.
 
Thực trạng áp dụng kết quả đánh giá đất, đánh giá tiềm năng đất đai thời gian vừa qua đã mang lại hiệu quả to lớn, đặc biệt trong việc khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững tài nguyên đất nông nghiệp (đất trồng lúa nước, đất trồng cây công nghiệp…). Tuy nhiên, còn bộc lộ nhiều hạn chế: hầu hết tại các tỉnh trên cả nước việc đánh giá tiềm năng đất còn chưa được chú trọng và đầu tư đúng mức, các nội dung trong đánh giá tiềm năng đất đai chưa được hướng dẫn cụ thể hóavà thiếu tính pháp lý trong triển khai thực hiện, chưa có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trong điều tra, đánh giá tiềm năng đất đai…
 
Trong khi đó việc đánh giá tiềm năng đất đai có ý nghĩa rất quan trọng trong sử dụng bền vững tài nguyên đất: là cơ sở khoa học cho việc hoạch định, lập chính sách phát triển; làm căn cứ cho sử dụng đất một cách hiệu quả và bền vững; là cơ sở để đưa quỹ đất chưa sử dụng vào sử dụng một cách hiệu quả. Trên thế giới đã có nhiều phương pháp phân hạng, phân loại và đánh giá tiềm năng đất khác nhau với các lý luận và mục đích khác nhau, nghiên cứu về đánh giá tiềm năng đất đai ngày càng trở nên hoàn thiện, có ý nghĩa thiết thực đối với sản xuất nông lâm nghiệp nói riêng và sử dụng đất đai nói chung. 
 
Chính vì vậy, qua 2 năm thực hiện nghiên cứu, các tác giả đã đã đề xuất được trình tự, nội dung và hệ thống các chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá tiềm năng đất đai (cụ thể 16 chỉ tiêu cho đất nông nghiệp, 14 chỉ tiêu cho đất phi nông nghiệp) phục vụ quản lý, sử dụng đất hợp lý, bền vững tài nguyên đất. Để nâng cao hiệu quả đánh giá tiềm năng đất đai cần thực hiện tốt 4 nhóm giải pháp (giải pháp về quản lý, giải pháp về tổ chức thực hiện, giải pháp về tài chính, giải pháp sử dụng hợp lý và bảo vệ nguồn tài nguyên đất). Cần tuân thủ nghiêm túc quy trình đánh giá tiềm năng đất đai, khai thác sử dụng đất theo đúng mục đích trên cơ sở bền vững về kinh tế - xã hội, môi trường gắn với biến đổi khí hậu. 
 
Kết quả nghiên cứu của đề tài giúp các nhà nghiên cứu, người hoạch định chính sách đưa ra được cơ sở khoa học cho việc đánh giá tiềm năng đất đai một cách toàn diện. Góp phần giúp các cơ quan có chức năng thực hiện quy hoạch sử dụng đất và người sử dụng đất xác định được đúng tiềm năng đất đai, định hướng sử dụng đúng mục đích của từng loại đất, từ đó có những giải pháp quản lý, sử dụng đất hợp lý và bền vững. 
 
Minh Thư

Nguồn tin: Theo baotainguyenmoitruong.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn