Hiện trạng và xu thế biến động sử dụng đất và chất lượng đất vùng ĐBSCL giai đoạn 1991 – 2015
Đăng lúc: Thứ ba - 28/11/2017 15:52
- Người đăng bài viết: Lê Minh Thùy
Dự báo thoái hóa đất vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bao gồm 13 tỉnh, thành phố (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu và Cà Mau), có tổng diện tích tự nhiên 4,08 triệu ha, với dân số trên 17 triệu người; ĐBSCL là vùng đất có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Với vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên thuận lợi, ĐBSCL có nhiều lợi thế để phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, do vùng Đồng bằng sông Cửu Long nằm ở phần cuối của Châu thổ sông Mê Kông, vừa giáp biển Đông, vừa giáp biển Tây nên luôn đối mặt với không ít khó khăn và hạn chế trong điều kiện tự nhiên, chịu sự tác động không nhỏ và khôn lường từ biến đổi khí hậu và các hoạt động ở thượng lưu sông Mê Kông, với mực nước biển dâng và xâm nhập mặn ngày càng rõ rệt.
Đại diện Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có bài tham luận tại Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu tổ chức tại thành phố Cần Thơ ngày 26 - 27/9.
Hiện trạng và xu thế biến động sử dụng đất giai đoạn 1991 – 2015
Theo số liệu thống kê đất đai năm 2015, tổng diện tích đất tự nhiên của vùng ĐBSCL là 4,08 triệu ha, trong đó: đất nông nghiệp có 3.410 nghìn ha, chiếm 84%; đất phi nông nghiệp có 634 nghìn ha, chiếm 15 %; đất chưa sử dụng còn 37 nghìn ha, chiếm 1%.
Đất trồng lúa: diện tích đất trồng lúa năm 2015 là 1.910 nghìn ha (chiếm 56,00% diện tích đất nông nghiệp), tập trung ở các tỉnh Long An, Kiên Giang, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp. Diện tích đất trồng lúa giai đoạn 1991 - 2000 của vùng tăng mạnh với diện tích 486 nghìn ha (bình quân mỗi năm tăng khoảng 49 nghìn ha), do giai đoạn này, nền kinh tế của vùng phụ thuộc nhiều vào sản xuất lúa, gạo thuần túy cũng như điều kiện kinh tế để đầu tư các mô hình sản xuất hàng hóa của người dân có hạn. Giai đoạn 2001 - 2015, diện tích đất trồng lúa liên tục có xu hướng giảm, đặc biệt là giai đoạn 2001 - 2010 (bình quân mỗi năm giảm khoảng 30 nghìn ha). Giai đoạn này, tốc độ phát triển kinh tế của Vùng, của người dân theo chiều hướng gia tăng, đặc biệt là phát triển thị trường sản phẩm nuôi trồng thủy sản, sản phẩm cây ăn quả, trong khi đó quá trình khô hạn, xâm nhập mặn ngày càng diễn ra mạnh mẽ,... dẫn đến tình trạng chuyển đổi đất lúa sang các mục đích khác theo quy hoạch hoặc tự phát của người dân liên tục xảy ra.
Biến động diện tích đất trồng lúa đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 1990 - 2015
Đất trồng cây lâu năm: Năm 2015, toàn vùng có 603 nghìn ha (chiếm 17,68% diện tích đất nông nghiệp), trong đó, diện tích đất trồng cây ăn quả khoảng 250 nghìn ha, chiếm 41,56% đất trồng cây lâu năm. Diện tích đất trồng cây lâu năm liên tục có xu hướng tăng, tăng mạnh nhất ở giai đoạn 1991 - 2000 (bình quân mỗi năm tăng khoảng 30 nghìn ha), giai đoạn 2001 - 2015, diện tích đất trồng cây lâu vẫn có chiều hướng tăng nhẹ (bình quân mỗi năm tăng khoảng 5 - 6 nghìn ha).
Biến động diện tích đất trồng cây lâu năm đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 1990 - 2015
Đất lâm nghiệp: Năm 2015, đất lâm nghiệp là 248,5 nghìn ha (chiếm 7,27% đất nông nghiệp). Đất lâm nghiệp trong cả thời kỳ 1991 - 2015 liên tục có xu hướng giảm, trong vòng 25 năm diện tích đất lâm nghiệp giảm 100 nghìn ha, trung bình giảm 4 nghìn ha/năm, trong đó: giai đoạn 1991 - 2010, diện tích đất lâm nghiệp giảm 41 nghìn ha; giai đoạn 2011-2015 tiếp tục giảm 59 nghìn ha, do việc khai thác đất lâm nghiệp sang các mục đích khác, đặc biệt là ở các khu vực ven sông, ven biển chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản và các khu vực thuận lợi trồng cây ăn quả, cây hàng năm hiệu quả kinh tế cao hơn.
Biến động diện tích đất lâm nghiệp đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 1990 - 2015
Đất nuôi trồng thủy sản: Năm 2015, có 530,5 nghìn ha (chiếm 13% diện tích đất nông nghiệp). Đất nuôi trồng thuỷ sản liên tục tăng, từ 145 nghìn ha năm 1991 lên 490 nghìn năm 2010 và đến năm 2015 là 531 nghìn ha. Trong vòng 25 năm diện tích nuôi trồng thủy sản tăng 386 nghìn ha (trung bình trên 15 nghìn ha/năm), trong giai đoạn 2000 - 2010 tăng mạnh nhất, gần 2 lần so với cả thời kỳ 1991 - 2015 (tăng 26 nghìn ha/năm), do thời kỳ này lợi nhuận kinh tế từ nuôi trồng thuỷ, hải sản cao hơn nhiều so với các loại hình đầu tư sản xuất nông nghiệp khác. Diện tích tăng chủ yếu được chuyển đổi từ đất lúa, đất lâm nghiệp, cây hàng năm khác kém hiệu quả và khai thác từ đất bãi bồi, đất mặt nước ven sông, ven biển.
Biến động diện tích đất nuôi trồng thủy sản đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 1990 - 2015
Đất khu công nghiệp - khu chế xuất: Năm 2015, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 13,90 nghìn ha (chiếm 13,44% diện tích khu công nghiệp của cả nước), tăng 12 nghìn so với năm 2000, tăng 4,72 nghìn ha so với năm 2010. Đất khu, cụm công nghiệp tập trung chủ yếu ở tỉnh Long An.
Đất phát triển hạ tầng: Năm 2015, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 221,11 nghìn ha (chiếm 16,51% diện tích đất phát triển hạ tầng cả nước), tăng so với năm 1990 là 108 nghìn ha (tăng bình quân trên 4 nghìn ha/năm), trong đó: đất giao thông tăng 64 nghìn ha; đất thủy lợi tăng 26 nghìn ha, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Vùng.
Đất đô thị (là chỉ tiêu tổng hợp): Đến năm 2015, hệ thống đô thị của Vùng gồm: 01 thành phố trực thuộc Trung ương, 14 thành phố trực thuộc tỉnh, 13 thị xã và 120 thị trấn với quy mô dân số xấp xỉ 6 triệu người và diện tích đất đô thị là 1.642,42 nghìn ha (bao gồm đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp), chiếm 40,24% diện tích tự nhiên, tăng thêm 125,27 nghìn ha so với năm 2010, tăng 230 nghìn ha so với năm 2000. Trong đó: đất ở đô thị là 173,80 nghìn ha, chiếm 23,20% diện tích đất ở (bình quân 56,46 m2/người dân đô thị; đất chuyên dùng 313,89 nghìn ha, chiếm 51,81% diện tích nhóm đất phi nông nghiệp, bình quân 101,25 m2/người; đất phi nông nghiệp còn lại (đất tôn giáo tín ngưỡng, đất nghĩa trang nghĩa địa, đất sông suối mặt nước chuyên dùng) 118,18 nghìn ha, chiếm 19,51% diện tích nhóm đất phi nông nghiệp.
Đất chưa sử dụng: Năm 2015, Tổng quỹ đất chưa sử dụng toàn vùng ĐBSCL còn 37 nghìn ha, chiếm 0,90% diện tích đất tự nhiên. Đất chưa sử dụng liên tục được đưa vào khai thác sử dụng những năm qua, đặc biệt là giai đoạn 1991 - 2000, khai thác sử dụng khoảng 344 nghìn ha (bình quân hàng năm khai thác đưa vào sử dụng khoảng 34 - 35 nghìn ha) chủ yếu được khai thác sử dụng cho các mục đích nông nghiệp (mở rộng diện tích đất trồng lúa tại 2 tiểu vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên) và một phần sang sử dụng cho các mục đích phi nông nghiệp...
Nhìn chung, trong thời kỳ 1990 - 2015, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động đã kéo theo sự chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất của Vùng. Đất nông nghiệp, phi nông nghiệp đều tăng, đất chưa sử dụng giảm so với diện tích đất tự nhiên. Trong 25 năm từ 1990 đến 2015, diện tích đất nông nghiệp tăng 589 nghìn ha (trung bình 24 nghìn ha/năm), đất phi nông nghiệp tăng 62 nghìn ha (bình quân 2,5 nghìn ha/năm), đất chưa sử dụng giảm 527 nghìn ha (bình quân trên 21 nghìn ha/năm), góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực của cả nước và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội,... của vùng (sản lượng lương thực năm 2015 đạt 24,2 triệu tấn, chiếm 55,5% sản lượng của cả nước; sản lượng nuôi trồng thủy sản 2,5 triệu tấn, chiếm 69,44% sản lượng của cả nước;...)
Tuy nhiên, chuyển mục đích sử dụng đất chưa theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mà còn mang tính tự phát theo cơ chế thị trường (chuyển đất lúa, rừng sang đất nuôi trồng thủy sản,.) làm cho diện tích đất lúa, đất rừng giảm, dẫn đến tình trạng nhiễm mặn, sạt lở đất,. có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Đất cơ sở hạ tầng tuy có tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển kinh tế xã hội của Vùng và hội nhập quốc tế; diện tích đất khu công nghiệp tuy tăng mạnh nhưng tỷ lệ lấp đầy trong các khu công nghiệp còn thấp (44%); .
Cơ cấu sử dụng đất đai vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2015
Thực trạng và xu hướng biến động về chất lượng đất
Đất đai vùng ĐBSCL được tạo thành do trầm tích sông ngòi và khoáng sinh phèn (pyrite) trong các lớp trầm tích đầm lầy. Hầu hết diện tích đất của vùng có thành phần cơ giới nặng, trên địa hình khá bằng phẳng, các loại đất này thích hợp cho điều kiện sản xuất nông nghiệp.
Theo kết quả điều tra, toàn Vùng có 10 nhóm đất chính, trong đó: nhóm đất cát có diện tích: 81,5 nghìn ha, chiếm 2,13%; nhóm đất mặn có diện tích: 674,5 nghìn ha, chiếm 17,61%; nhóm đất phèn có diện tích: 1.541,2 nghìn ha, chiếm 40,23%; nhóm đất phù sa có diện tích: 888,3 nghìn ha, chiếm 23,19%; nhóm đất lầy và than bùn có diện tích: 10,1 nghìn ha, chiếm 0,26%; nhóm đất xám có diện tích: 184,5 nghìn ha, chiếm 4,82%; nhóm đất đỏ vàng có diện tích: 35,4 nghìn ha, chiếm 0,92%; nhóm đất thung lũng có diện tích: 0,6 nghìn ha, chiếm 0,02%; nhóm đất lên líp có diện tích: 404,4 nghìn ha, chiếm 10,56%; đất mòn trơ sỏi đá có diện tích: 10,7 nghìn ha, chiếm 0,28%.
Chất lượng đất có chiều hướng thoái hoá. Ngoài tác động của con người trong việc khai thác, sử dụng đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thì tác động của việc khai thác nước ở thượng nguồn sông MeKong, của BĐKH, NBD cũng ảnh hưởng vô cùng lớn đến chất lượng đất. Kết quả điều tra, đánh giá thoái hoá đất của Vùng cho thấy chất lượng đất như sau:
Diện tích đất bị suy giảm độ phì của Vùng là 857.150 ha, chiếm 21,00% tổng diện tích tự nhiên, tập trung tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh và Vĩnh Long, trong đó: suy giảm mạnh là 141.778 ha, chiểm 3,47%; suy giảm trung bình có 303.158 ha, chiếm 7,43%; suy giảm nhẹ có 412.214 ha chiếm 10,10% diện tích tự nhiên. Diện tích loại đất bị suy giảm độ phì chiếm nhiều nhất ở loại đất phù sa chiếm 40,18%, đất phèn 38,23% diện tích bị suy giảm độ phì. Sự suy giảm độ phì của đất chủ yếu xảy ra trên đất phèn, phèn mặn và phù sa có tầng loang lổ đỏ vàng. Có nhiều nguyên nhân làm cho đất bị suy giảm độ phì nhanh chóng như: kỹ thuật canh tác, ít bón phân hữu cơ, thâm canh, độc canh ... trong đó, không được bồi đắp phù sa thường xuyên là nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm độ phì mạnh như hiện nay.
Diện tích đất bị mặn hoá của Vùng là 688.423 ha, chiếm 16,87% diện tích tự nhiện, tập trung nhiều ở các tỉnh Long An, Bến Tre và Tiền Giang, trong đó: đất bị nhiễm mặn nặng là 385.047 ha, chiếm 9,43%; đất bị nhiễm mặn trung bình là 128.462 ha, chiếm 3,15%; đất bị nhiễm mặn ít là 174.941 ha, chiếm 4,30% diện tích đất bị mặn hoá. Diện tích loại đất bị mặn hoá nhiều nhất ở loại đất phèn chiếm 38,72%, đất phù sa 22,70% và đất lên líp 21,44% diện tích đất bị mặn hoá. Đất bị mặn hoá là do nước mặn xâm nhập sâu vào khu vực nội đồng vào mùa khô và ảnh hưởng của thủy triều. Điều này thể hiện khá rõ đối với sông Vàm Cỏ ở Long An và Tiền Giang, vì hệ thống sông này không có nguồn nước ở thượng lưu nên vào mùa khô nguồn nước bị cạn kiệt dẫn đến nước mặn xâm nhập vào sâu có khi đến vài chục km.
Diện tích đất bị phèn hoá của Vùng là 436.001 ha, 10,68% chiếm diện tích tự nhiên, tập trung nhiều ở các tỉnh Cà Mau, Vĩnh Long, Kiên Giang, trong đó: đất bị phèn hoá trung bình là 212.139 ha, chiếm 48,66%; đất bị phèn hoá nhẹ là 223.862 ha, chiếm 51,34% diện tích đất bị phèn hoá. Diện tích loại đất bị phèn hoá nhiều nhất là đất phèn tiềm tàng sâu 24,37%, đất phèn tiềm tàng nông mặn nhiều 20,29% và đất phèn tiềm tàng sâu mặn nhiều 18,89% diện tích đất bị nhiễm phèn. Đất bị nhiễm phèn là do quá trình nước phèn ở các vùng đất phèn ở thượng nguồn theo nguồn nước mặt xâm nhập vào các vùng đất ở hạ lưu làm cho những nơi này bị nhiễm phèn, cụ thể ở Hậu Giang, Vĩnh Long, Bến Tre và Cần Thơ, khu vực vùng hạ của Long An. Ngoài ra, một số khu vực đất phèn hoạt động sử dụng mô hình lên líp để chuyển sang đất trồng cây lâu năm hay trồng màu, tầng phèn được đưa lên bề mặt đất và bị nguồn nước cuốn đi, vì vậy nó cũng gây nhiễm phèn các khu vực lân cận.
Theo dự báo xu hướng biến động chất lượng đất, dưới tác động của điều kiện tự nhiên và con người, qua điều tra khảo sát, nghiên cứu xu hướng biến đổi chất lượng đất qua các thời kỳ, dự báo: có 3 khu vực chịu ảnh hưởng ngập lũ nặng nề nhất là khu vực tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Kiên Giang và tỉnh An Giang với diện tích ngập tăng dần theo kịch bản nước biển dâng.
Về khả năng suy giảm độ phì dự báo vùng đất xám và đất xói mòn trơ sỏi đá tại các vùng đất của khu vực Bảy núi (An Giang) và một số điểm đồi núi tại Hà Tiên (Kiên Giang) là có nguy cơ suy giảm độ phì mạnh do địa hình tương đối cao, độ dốc lớn.
Mặn hoá đất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng tăng lên, dự báo hiện tượng bị xâm nhập mặn tăng thêm nhiều nhất là tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu. Nguyên nhân do nước biển có xu hướng xâm nhập sâu vào khu vực Bán đảo Cà Mau qua hệ thống thoát lũ biển Tây, các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng sẽ ít bị xâm nhập mặn hơn do được đầu tư hệ thống đê bao và cống ngăn mặn hoàn chỉnh hơn; khu vực dự báo bị xâm nhập mặn vừa là An Giang, Trà Vinh và Cà Mau.
Đất bị nhiễm phèn trong thời gian tới có xu hướng tăng mạnh dự báo tại khu vực tỉnh Sóc Trăng, Vĩnh Long, Long An, Tiền Giang và Trà Vinh, là do, bản chất của đất ở các khu vực này có chứa các vật liệu sinh phèn (phèn tiềm tàng) dưới tác động của quá trình canh tác nông nghiệp; của các yếu tố tự nhiên làm cho đất phèn tiềm tàng chuyển sang phèn hoạt động.