Ông Nguyễn Thanh An, Trưởng phòng TN&MT huyện Mai Sơn cho biết: Thực hiện Luật Đất đai 2013, trong 3 năm (2014 – 2016), UBND huyện đã thành lập 5 đoàn thanh, kiểm tra việc sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Qua đó, phát hiện việc sử dụng sai mục đích và sử dụng đất kém hiệu quả của 13 doanh nghiệp, 40 hộ gia đình cá nhân sử dụng đất lúa và đất nông nghiệp khác không đúng mục đích. Đồng thời, UBND huyện đã triển khai các văn bản chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc quản lý quy hoạch và các quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất. Qua đó, các vụ việc vi phạm pháp luật về đất đai có giảm và công tác quản lý nhà nước về đất đai của các xã, thị trấn dần đi vào nề nếp. Kết quả kiểm tra, giám sát cũng cho thấy: Còn tình trạng buông lỏng quản lý, một số dự án triển khai chậm, một số xã chưa quan tâm đến công tác quản lý quy hoạch, năng lực của cán bộ chuyên môn một số xã còn yếu và việc xử lý các vi phạm chưa cương quyết, chưa giải quyết dứt điểm các vụ tranh chấp đất đai. Trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai, từ năm 2014 đến 31/12/2016, huyện Mai Sơn đã tiếp nhận 140 lượt đơn khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai, phản ánh kiến nghị liên quan đến lĩnh vực đất đai. Trong đó, 100 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết, hiện đã giải quyết xong 98 đơn. Có thể nói, thực hiện Luật Đất đai 2013, UBND huyện đã chủ động tích cực triển khai quán triệt, học tập các nội dung văn bản Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành của Nhà nước đến các đối tượng sử dụng đất với nhiều hình thức khác nhau. Hàng năm, đã tổ chức các cuộc thanh, kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm về hành lang an toàn giao thông, sử dụng đất sai mục đích, vi phạm quy hoạch, lấn chiếm đất đai đối với các tổ chức, các nhân… Qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm Luật Đất đai và trình UBND tỉnh thu hồi các dự án sử dụng đất kém hiệu quả hoặc sử dụng sai mục đích. Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra chưa được thường xuyên liên tục, vì vậy việc phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm nhiều khi chưa kịp thời. Bên cạnh đó, hiện Mai Sơn đang gặp khó khăn trong việc quản lý với diện tích đất nông, lâm trường. Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, chưa có các quy định cụ thể về vấn đề đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông, lâm trường; về cơ chế xử lý các trường hợp đất nông, lâm trường được cho thuê, cho mượn hoặc bị lấn chiếm, tranh chấp... Do đó, còn thiếu cơ chế pháp lý đồng bộ, cụ thể về quản lý và sử dụng đất nông, lâm trường. Một số diện tích đất của nông trường trả về cho huyện, các hộ gia đình nhận khoán trước đó đã làm nhà ở, xây dựng công trình, mua bán, chuyển nhượng đất trái phép gây khó khăn trong công tác quản lý đất đai. Ngoài ra, hệ thống cán bộ quản lý ở địa phương còn thiếu hụt. Một bộ phận cán bộ chuyên môn trình độ năng lực còn hạn chế, dẫn tới công tác tham mưu cho các cấp trong quản lý nhà nước chưa kịp thời; chưa cương quyết ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm ngay từ cơ sở. Sự phối hợp giữa các cấp, các cơ quan chuyên môn của huyện chưa chặt chẽ trong công tác quản lý quy hoạch. Một số cấp ủy chính quyền cơ sở xã chưa quan tâm đến quản lý quy hoạch và sử dụng đất tại địa phương. Ý thức chấp hành pháp luật về đất đai của một bộ phận nhân dân chưa cao, còn vi phạm pháp luật. Công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, liên tục và rộng khắp, một số tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm pháp luật đất đai, vi phạm quy hoạch đã được công bố, công khai. Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương, huyện Mai Sơn đề nghị UBND tỉnh Sơn La kiến nghị với Chính phủ ban hành văn bản quy định riêng về quản lý sử dụng đất nông, lâm trường. Trong đó, quy định cụ thể việc rà soát quy hoạch sử dụng đất nông, lâm trường; vấn đề đo đạc, lập hồ sơ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xử lý các trường hợp tranh chấp, lấn chiếm; mua bán, sang nhượng trái phép đất nông, lâm trường… Đề nghị UBND tỉnh, Sở TN&MT cho ý kiến về việc giao đất, nhận chuyển nhượng đất trồng chè, vườn cây của các hộ với Công ty nay chuyển về huyện quản lý. Hướng xử lý với các hộ gia đình đang sản xuất nông nghiệp trên diện tích đất đã trả về cho huyện. Riêng với các trường hợp một số hộ gia đình đã vi phạm san lấp đất ruộng để làm nhà ở nhiều năm nay, hiện các hộ có nhu cầu chuyển mục đích sang đất ở (đất không còn khả năng trồng lúa nước), đề nghị Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh cơ chế xử lý phù hợp. Nguyễn Nga Nguồn tin: Theo baotainguyenmoitruong.vn Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
|