Quản lý đất đai thời 4.0: Nhìn từ hệ thống thông tin đất đai

Đăng lúc: Thứ năm - 08/07/2021 12:02 - Người đăng bài viết: Lê Minh Thùy

Quản lý đất đai thời 4.0: Nhìn từ hệ thống thông tin đất đai

Quản lý đất đai thời 4.0: Nhìn từ hệ thống thông tin đất đai

Hệ thống thông tin đất đai (LIS) là một giải pháp kỹ thuật nhằm hiện đại hóa quản lý đất đai theo xu hướng tin học hóa. Hệ thống thông tin đất đai sẽ được tích hợp với dữ liệu nhiều ngành khác, hướng đến hệ thống dữ liệu đa mục tiêu nhằm phục vụ việc hình thành Chính phủ điện tử.
Bài 1: Kết nối dữ liệu đất đai đa mục tiêu
Ngành TN&MT đang đang triển khai kết nối liên thông cơ sở dữ liệu đất đai với cơ quan thuế và các điều kiện cần thiết để vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia liên quan đến giao dịch đất đai.
Xây dựng hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu và kết nối liên thông cơ sở dữ liệu đất đai với các ngành khác nằm trong chủ trương của Đảng khi ban hành Nghị Quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. Nghị quyết này xác định mục tiêu: “Ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu, hạ tầng thông tin về đất đai và tài sản gắn liền với đất theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch, phục vụ đa mục tiêu; từng bước chuyển sang giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai”.
Để hoàn thành mục tiêu xây dựng hệ thống thông tin đất đai tạo nền tảng cho việc xây dựng “Chính phủ điện tử” và tích hợp “Cổng dịch vụ công quốc gia”, trong những năm qua ngành Quản lý đất đai đã và đang nỗ lực thực hiện xây dựng hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai. Đồng thời đang triển khai kết nối liên thông cơ sở dữ liệu đất đai với cơ quan thuế và các điều kiện cần thiết để vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia liên quan đến giao dịch đất đai.
Đến nay, tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính trên 43 triệu thửa đất và hơn 22 triệu hồ sơ quét, đồng thời đã ứng dụng công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu đất đai cho công tác quản lý và các giao dịch liên quan đến đất đai.

Tăng cường quản lý và xây dựng hệ thống thông tin đất đai. Ảnh: MH
Hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu tập trung, thống nhất đã cung cấp một nền tảng mà dữ liệu sẽ được chia sẻ rộng rãi với các bộ, ban, ngành khác, thúc đẩy tính minh bạch và sự tiếp cận của cộng đồng để cập nhật và khai thác thông tin đất đai đáng tin cậy. Việc khai thác, chia sẻ các thông tin đất đai giữa các cơ quan và các bên liên quan như cơ quan thuế, công chứng, ngân hàng, cơ quan thanh tra, điều tra, tư pháp... để thực hiện các nhiệm vụ chuyên ngành, đặc biệt là những thông tin liên quan đến nguồn gốc sử dụng đất, giá đất và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo tính bền vững và quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai.Việc xây dựng hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai gắn liền với kiện toàn hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai (là đơn vị vận hành, khai thác hệ cơ sở dữ liệu đất đất đai) cho thấy hiệu quả rõ rệt về trước mắt và lâu dài. Đặc biệt, cải cách thủ tục hành chính về đất đai và tài sản gắn liền với đất đã giảm bớt đáng kể, từ 61 thủ tục xuống còn 42 thủ tục; thời gian giải quyết thủ tục đã được rút ngắn đáng kể từ 15 – 45% so với trước đây; số ngày giải quyết hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất là cá nhân, hộ gia đình từ 05 ngày xuống còn 03 ngày làm việc; quy trình cung cấp dịch vụ được minh bạch và trách nhiệm hơn qua đó cải thiện sự tham gia và phản hồi tích cực từ các bên liên quan.
Cơ sở dữ liệu đất đai hoàn chỉnh là công cụ đắc lực để Nhà nước kiểm soát được các giao dịch “ngầm” về đất đai, kịp thời ngăn chặn các giao dịch phi pháp, đồng thời cung cấp thông tin hữu ích để cảnh báo và bảo vệ người dân. Đồng thời, thay đổi tư duy và phương pháp làm việc của bộ máy các cấp, từ chỗ bị động sang chủ động hơn trong việc việc cung cấp dịch vụ đất đai cho các bên liên quan. Nguồn thu dịch vụ thu được từ các giao dịch đã đảm bảo chi trả cho bộ máy quản lý và vận hành mà không cần sự đầu tư kinh phí của Nhà nước như trước đây. Từ những hiệu quả của cơ sở dữ liệu đất đai mang lại, việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay nhằm tạo nền tảng cơ bản cho công tác quản trị đất đai tập trung, thống nhất trong phạm vi cả nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, chia sẻ với các bộ ngành; hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; cải thiện vị trí của Việt Nam về chỉ số dịch vụ công trực tuyến trong chỉ số phát triển Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc".
Hiện Bộ TN&MT đã thực hiện thử nghiệm hệ thống kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai tại một số địa phương tích hợp Hệ thống kết nối, chia sẻ thông tin đất đai quốc gia. Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường và Tổng cục Quản lý đất đai được giai nhiệm vụ thực hiện việc thiết kế, cập nhật thông tin, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia đến tháng 7/2021 và sớm công bố chính thức.

 
 
Tác giả bài viết: PTH - VPTC

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn