Thách thức trong phát triển vùng ven đô Hà Nội

Đăng lúc: Thứ tư - 06/12/2017 11:30 - Người đăng bài viết: Lê Minh Thùy

 Ngày 1/12, tại Hà Nội, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Đô thị hóa khu vực ven đô thành phố Hà nội và những thách thức trong công tác quy hoạch xây dựng”. Tại đây, các chuyên gia hàng đầu về quy hoạch nhìn nhận những tác động cả tích cực lẫn tiêu cực của quá trình đô thị hóa, từ đó đề xuất nhiều giải pháp quy hoạch phát triển bền vững vùng ven đô Hà Nội.

Quá trình mở rộng ranh giới vùng ven đô diễn ra nhanh chóng trong 2 thập kỷ qua. Theo Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia, giai đoạn 1995 – 2016, khu vực nội thành đã tăng dân số từ 1,28 triệu dân lên 3,93 triệu. Đi kèm với tăng trưởng dân số khu vực nội thành hơn 10%/ năm là vùng ven đô Hà Nội biến đổi mạnh về cấu trúc kinh tế - xã hội và đất đai khu vực.

Theo TS.KTS Đàm Quang Tuấn, Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển đô thị, Quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 mới chỉ tập trung vào xây dựng đô thị. Đối với khu vực ven đô, khi triển khai chi tiết lại mang tính đáp ứng theo từng dự án, không có sự kết nối tổng thể giữa các khu vực nông thôn với xây dựng đô thị trong quá trình phát triển. Chính vì vậy, khi các vùng ven đô có tốc độ đô thị hóa nhanh đã phát sinh nhiều vấn đề, điển hình là phát triển các khu đô thị mới khá tùy tiện, phần lớn ảnh hưởng của cơn sốt thị trường bất động sản.

Khu vực dân cư xuất hiện nhiều công trình tự phát, bất cập ở chỗ  xây dựng đô thị nhưng lại trên cơ sở hạ tầng kỹ thuật của làng xóm nông thôn. Sự phát triển nặng về lợi ích kinh tế gây mất cân bằng môi trường sinh thái khu dân cư, dẫn đến những hệ lụy về ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội…

Đồng quan điểm, TS.KTS Lê Xuân hùng, Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, những mâu thuẫn tồn tại chủ yếu là việc thiếu gắn kết các chức năng đô thị mới với hạ tầng hiện hữu ở các làng xóm nông nghiệp. Thực tế hiện nay, các đồ án quy hoạch chi tiết chủ yếu chỉ được thực hiện trong phạm vi ranh giới giao đất mà thiếu sự cập nhật, trao đổi thông tin với những không gian lân cận. Hệ quả là sự phát triển “lệch”, thiếu khớp nối, đồng bộ về kiến trúc cảnh quan giữa những đặc trưng không gian khác nhau. Thực tế này đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết tạo lập bộ mặt đô thị “xanh – văn hiến – văn minh – hiện đại” của Thủ đô.

các chuyen gia thảo luận tại hội thảo
các chuyen gia thảo luận tại hội thảo

Để quy hoạch phát triển bền vững khu vực phát triển mới vùng ven đô Hà Nội trong quá trình hội nhập, theo bà Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia, yêu cầu đặt ra là phải có một mô hình quản lý và quy hoạch phát triển bền vững bao quát, phù hợp với các yếu tố văn hóa, lịch sử vùng, điều kiện kinh tế xã hội, củng cố mối quan hệ với đô thị trung tâm và hệ thống đô thị trong vùng Thủ đô.

Quy hoạch cần phân bổ nguồn lực hợp lý giữa các khu vực, khai thác hiệu quả quỹ đất bằng cách khuyến khích phát triển đô thị “nén”, sử dụng đất hỗn hợp. Khu vực phát triển mới sẽ tạo điều kiện để người nông dân có thêm thu nhập từ nông nghiệp và các công việc phi nông nghiệp, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch… tạo thêm việc làm, giảm đói nghèo và kết nối hài hòa các cộng đồng dân cư mới và cộng đồng bản địa. Người dân sẽ được hưởng các dịch vụ an sinh xã hội tốt hơn về y tế, giáo dục, nhà ở, trường học…

Quy hoạch cần thiết lập hệ thống hạ tầng liên kết, tương tác các đô thị - nông thôn, kết nối đô thị với thị trường, tăng cường hiệu quả các chức năng đô thị mới, ưu tiên phát triển giao thông công cộng và nâng cao chất lượng sống. Từ đó, kiểm soát bảo vệ hệ sinh thái, giảm tác động tiêu cực đến môi trường và nguồn nước, tăng sử dụng các nguồn năng lượng sạch.

Phó Viện trưởng nhấn mạnh, xây dựng mô hình quản lý có sự phối hợp với các quận huyện, với cộng đồng dân cư bản địa và nhà đầu tư sẽ giúp các khu vực phát triển mới vượt qua các thách thức của thời kì chuyển đổi, khuyến khích hợp tác phát triển kinh tế quy mô nhỏ, hấp dẫn các nguồn đầu tư và tăng khả năng cạnh tranh

Bên cạnh đó, hội thảo đã có một số tham luận: Mối liên kết giữa khu vực nội thành Hà Nội và khu vực ven đô trong quá trình phát triển; Phát triển bền vững khu vực mở rộng ven đô hà Nội, Đô thị - nông thôn ngoại thành trong mối liên kết không gian kinh tế và không gian sinh thái; Gắn kết không gian kiến trúc cảnh quan giữa làng xóm đô thị hóa với khu đô thị mới...

Khánh Ly


Nguồn tin: Theo baotainguyenmoitruong.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn