Đăng lúc: Thứ ba - 12/04/2016 10:12
- Người đăng bài viết: Nguyễn Thị Kim Ngân
Với cách làm linh hoạt là chuyển hồ sơ đất đai về Sở TN&MT ký trực tiếp, công tác cấp đổi Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) tại Khánh Hòa đã được rút gọn, giảm phiền hà cho người dân.
Khánh Hòa: Linh hoạt giảm thời gian cấp sổ đỏ
* Tăng số lượng, giảm thời gian Ông Trần Xuân Tây - Chánh Văn phòng Sở TN&MT Khánh Hòa cho biết, khi mới thực hiện hợp nhất Văn phòng Đăng ký đất đai, Văn phòng Đăng ký đất đai Khánh Hòa đã gặp không ít lúng túng. Theo đó, trong điều kiện nhân lực không tăng, hạ tầng mạng chưa đồng bộ, việc chuyển hồ sơ từ các chi nhánh về Văn phòng Đăng ký đất đai cấp tỉnh gặp khó khăn. Bên cạnh đó, cùng lúc Văn phòng cấp tỉnh phải xử lý, thẩm định hồ sơ của 8 chi nhánh trước khi gửi Sở ký nên thời gian cấp GCNQSDĐ rất chậm. Vì thế, lãnh đạo Sở TN&MT Khánh Hòa đã chỉ đạo giao Giám đốc các chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai chịu trách nhiệm pháp lý ký tờ trình, ký nháy phôi GCN trình trực tiếp Giám đốc Sở ký. Đồng thời, chuyển cơ sở dữ liệu và hồ sơ địa chính đến Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh để cập nhật thống nhất, đồng bộ. Do vậy, việc ký GCN cấp đổi theo hình thức trực tiếp có nhiều chuyển biến. Báo cáo của Văn phòng Đăng ký đất đai Chi nhánh Nha Trang cho thấy, theo cách làm mới, số hồ sơ trình Sở TN&MT trung bình là 30 hồ sơ/ngày, tăng gấp 2 lần so với trước; GCN Sở ký trung bình 29,4 giấy/ngày (cách cũ 9,3 giấy/ngày); thời gian trung bình ký một GCN là 3 ngày làm việc (cách cũ 15 ngày), rút ngắn 5 lần so với trước. Chi nhánh Ninh Hòa cũng cho biết, cách làm mới rút ngắn thời gian cấp GCN so với trước từ 1,5 tháng còn 3 - 7 ngày. So sánh với giai đoạn trước đây huyện trực tiếp ký giấy thì thời gian vẫn nhanh hơn 20%. Việc chuyển hồ sơ dữ liệu từ chi nhánh về văn phòng tỉnh thông qua bưu điện tiện lợi. * Thực hiện đồng bộ Ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh cho biết, sau khi có chỉ đạo thí điểm, Văn phòng đã triển khai ngay cho lãnh đạo và tổ trưởng chuyên môn nghiệp vụ các chi nhánh; tham mưu Sở ban hành việc luân chuyển hồ sơ; chấn chỉnh việc cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai; kiểm tra, hướng dẫn trực tiếp các chi nhánh; tổ chức giao ban nghiệp vụ hàng tháng để xử lý, tháo gỡ vướng mắc; ban hành văn bản hướng dẫn… Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện vẫn còn một số bất cập, đặc biệt là việc cập nhật cơ sở dữ liệu. Bên cạnh đó, một số chi nhánh còn thiếu quan tâm việc cập nhật dữ liệu; vẫn còn hồ sơ trễ hạn... “Xây dựng dữ liệu số về đất đai đóng vai trò cực kỳ quan trọng thực hiện đa mục tiêu, từng bước phục vụ thị trường giao dịch đất đai hiện đại theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Vì thế, việc cập nhật dữ liệu chính xác là ưu tiên hàng đầu, làm cơ sở nền tảng lâu dài cho công tác quản lý Nhà nước về đất đai…”, ông Phúc nói. Thời gian tới, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh sẽ có những giải pháp chỉ đạo quyết liệt nhằm phát huy hiệu quả của việc thí điểm như: chấn chỉnh việc tiếp nhận hồ sơ, hạn chế sai sót về chuyên môn nghiệp vụ; tham mưu sở hướng dẫn về chuyên môn đối với một số vấn đề chưa thống nhất giữa các địa phương, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cơ chế phối hợp, luân chuyển hồ sơ. Bên cạnh đó, chỉ đạo cập nhật kịp thời cơ sở dữ liệu đất đai theo quy định; hướng dẫn các chi nhánh nâng cao năng lực thẩm định hồ sơ, đổi mới quy trình tác nghiệp, xây dựng quy chế theo dõi, kiểm tra…