Kiện toàn Văn Phòng đăng ký đất đai một cấp:Bước đầu nâng hiệu quả cải cách hành chính

Đăng lúc: Chủ nhật - 19/06/2016 21:40 - Người đăng bài viết: Nguyễn Thị Kim Ngân

Thành lập, kiện toàn Văn phòng đăng ký đất đai (một cấp – trực thuộc Sở TN&MT cấp tỉnh) theo quy định của Luật Đất đai 2013 đã cho thấy nhiều hiệu quả trong cải cách hành chính trong lĩnh vực này.
Kiện toàn Văn Phòng đăng ký đất đai một cấp:Bước đầu nâng hiệu quả cải cách hành chính

Kiện toàn Văn Phòng đăng ký đất đai một cấp:Bước đầu nâng hiệu quả cải cách hành chính

* 45 tỉnh có Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp
Theo thống kê của Cục Đăng ký đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai), tính đến ngày 24/5, đã có 45 tỉnh, thành phố đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai một cấp và đi vào hoạt động trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố.
Qua hoạt động, các Văn phòng Đăng ký đất đai Hoạt động đăng ký đất đai đã có sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất, bảo đảm việc triển khai thực hiện đăng ký, cấp Giấy chứng nhận của địa phương theo đúng kế hoạch, có trọng tâm, trọng điểm theo nhiệm vụ chính trị của địa phương; đội ngũ cán bộ trong hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai đã được điều động, sử dụng linh hoạt giữa các địa bàn để hỗ trợ hoàn thành nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn cán bộ hiện có.
Bên cạnh đó, việc thực hiện nhiệm vụ của các Văn phòng đã thể hiện rõ hơn tính chuyên nghiệp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận với bộ máy tổ chức được sắp xếp theo các nhóm chuyên môn và theo từng vị trí công việc chuyên sâu; quy trình giải quyết công việc đã được thực hiện thống nhất, nhiều nơi đã được thực hiện gắn với hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai đã xây dựng.
Chất lượng thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận được nâng cao, bảo đảm sự thống nhất trong toàn tỉnh, thành phố do Văn phòng đăng ký đất đai đã thường xuyên kiểm tra, quản lý, hướng dẫn các Chi nhánh thực hiện nhiệm vụ. Thủ tục hành chính đối với những địa phương đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai là 41 thủ tục (nếu chưa thành lập là còn 62 thủ tục). Thời gian thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận được bảo đảm đúng quy định; thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận giảm thời gian thực hiện từ 05 - 25 ngày so với trước đây.
Ngoài ra, các Văn phòng đăng ký đất đai đã có điều kiện hơn về lực lượng chuyên môn, chủ động hơn về thẩm quyền và đã quan tâm, chăm lo nhiều hơn cho việc xây dựng, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính của địa phương, nhất là việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính; đồng thời tăng cường kiểm tra, chỉ đạo việc cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính ở các cấp huyện, xã để bảo đảm sự thống nhất của hồ sơ địa chính theo quy định.
Việc thực hiện thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận được thực hiện ngày càng thuận lợi hơn với người dân do cơ quan đăng ký được tổ chức lại ngày càng chuyên nghiệp; việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai được đẩy mạnh đã tạo nhiều cơ hội hơn cho người dân được lựa chọn nơi đăng ký, tạo sự cạnh tranh giữa các cơ quan đăng ký, góp phần giảm bớt tình trạng nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục hiện nay. Số bộ hồ sơ phải nộp đã giảm ( trước đây 03 bộ hồ sơ thì hiện nay là 01 bộ hồ sơ) ; loại bỏ một số loại giấy tờ phải nộp trong thành phần các loại hồ sơ; việc cung cấp thông tin, luân chuyển hồ sơ giữa Văn phòng đăng ký đất đai, cơ quan thuế và kho bạc trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không yêu cầu nhà đầu tư phải nộp trích lục bản đồ địa chính…
* Nhìn từ các địa phương
Đơn cử tại Hà Nội, sau hơn 1 năm hoạt động, Văn phòng Đăng ký đất đai đã hoàn thiện và ban hành các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, bộ máy và các quy định về trình tự, thủ tục hành chính đất đai. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2016, Văn phòng đã tiếp nhận và giải quyết 50 hồ sơ cấp mới sổ đỏ cho các tổ chức thực hiện dự án nhà ở; 1.709 hồ sơ cấp mới sổ đỏ của hộ gia đình, cá nhân. Đối với công tác đăng ký biến động, đã tiếp nhận và giải quyết 47 hồ sơ của các tổ chức; 11.802 hồ sơ của hộ gia đình, cá nhân…
Còn tại tỉnh Tuyên Quang, sau 1 năm thành lập, các Văn phòng đăng ký đất đai và các Chi nhánh đều được thiết lập đường dây nóng, hòm phiếu để người dân có thể thông tin trực tiếp đến lãnh đạo Sở. Để phục vụ tốt hơn cho người dân làm thủ tục hành chính về đất đai, Sở xây dựng Quy chế phối hợp với các ngành, các cấp có liên quan trình UBND tỉnh ban hành, để tránh hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm.
Ông Đỗ Kiếm Anh, Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Tuyên Quang cho biết, trong 4 tháng đầu năm, Chi nhánh đã tiếp nhận 1.968 hồ sơ; đã giải quyết được 1.924 hồ sơ, còn lại 44 hồ sơ đang được giải quyết. Nhiều thủ tục hành chính về đất đai như trích đo, thẩm định lịch sử nguồn gốc tài liệu đã được cắt giảm tinh gọn, như thời gian giải quyết hồ sơ mua bán, chuyển nhượng, cho tặng trước đây là 24 đến 30 ngày thì nay chỉ còn 10 ngày. Chi nhánh thực hiện công tác kiểm tra nội bộ, họp giao ban hàng tuần quán triệt tới từng cán bộ, nhân viên trong cơ quan thực hiện nghiêm các quy định của văn phòng, nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp khi thực hiện nhiệm vụ.

Nguồn tin: Theo monre.gov.vn

Những tin cũ hơn