Kiện toàn Văn Phòng đăng ký đất đai một cấp: Cần tạo động lực cho địa phương
Đăng lúc: Chủ nhật - 19/06/2016 21:43
- Người đăng bài viết: Nguyễn Thị Kim Ngân
18 tỉnh, thành phố chưa thành lập được Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp. Bên cạnh các nguồn nhân về nguồn lực, có nguyên nhân từ việc nhận thức chưa đầy đủ về lợi ích lâu dài của mô hình này từ địa phương.
Kiện toàn Văn Phòng đăng ký đất đai một cấp: Cần tạo động lực cho địa phương
* Ngại bận, sợ tốn kém Ông Mai Văn Phấn Cục phó Cục Đăng ký đất đai cho biết, nguyên nhân các tỉnh chậm thành lập Văn phòng đăng ký đất đai là do một số tỉnh có thay đổi nhiều về nhân sự cấp tỉnh, cấp huyện và tập trung cho việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp nên xây dựng kế hoạch thành lập Văn phòng đăng ký đất đai vào 6 tháng cuối năm 2016. Bên cạnh đó, một số tỉnh cho rằng, việc thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai thì thẩm quyền ký cấp Giấy chứng nhận dồn về Sở Tài nguyên và Môi trường gây áp lực cho lãnh đạo Sở. Đồng thời, việc luân chuyển hồ sơ để trình ký Giấy còn mất thời gian và tốn kém chi phí đi lại đối với các địa bàn xa. Ngoài ra, còn có một số tỉnh chưa mặn mà với việc thành lập Văn phòng đăng ký đất đai, còn đưa ra các lý do khó khăn khi thực hiện theo Văn phòng đăng ký đất đai. * Nguồn lực hạn chế Cũng theo ông Mai Văn Phấn, không chỉ các địa phương không thành lập Văn phòng mà các địa phương đã thành lập Văn phòng cũng gặp không ít khó khăn. Theo thống kê của Cục, hầu hết các Chi nhánh khó khăn về trụ sở, trang thiết bị làm việc do trước đây chung với Phòng Tài nguyên và Môi trường. Các Chi nhánh khó khăn về nhân sự làm việc với lý do những người làm việc tốt hoặc đang kiêm nhiệm công việc của Phòng tài nguyên và Môi trường, họ không chuyển sang Văn phòng đăng ký đất đai mà ở lại làm việc tại Phòng Tài nguyên và Môi trường. Các địa phương đều đã triển khai thực hiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính nhưng việc vận hành và khai thác cơ sở dữ liệu địa chính hầu hết các địa phương chưa thực hiện được. Cả nước mới có tỉnh Đồng Nai, An Giang, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nam Định, Thừa Thiên - Huế, Bình Thuận đã cơ bản hoàn thành và đang được khai thác sử dụng có hiệu quả ở cấp tỉnh và một số đơn vị cấp huyện. Hầu hết các Văn phòng đăng ký đất đai đều gặp khó khăn về kinh phí trong thời gian mới thành lập với lý do việc bàn giao về kế hoạch, dự toán ngân sách của các địa phương từ cấp huyện lên cấp tỉnh chậm, ảnh hưởng đến lương của người lao động. Ví dụ như ở tỉnh Đắk Lắk, sau khi Văn phòng đăng ký đất đai đi vào hoạt động thì các chi nhánh đều thiếu nguồn nhân lực phục vụ công tác chuyên môn, hiện chỉ mới có 260 cán bộ công tác tại văn phòng chính và các chi nhánh, trong khi đó theo đề án thành lập thì nhu cầu thực tế phải cần khoảng 310 người. Với số lượng hồ sơ quá nhiều, cán bộ, nhân viên Văn phòng và các chi nhánh phải thường xuyên làm thêm ngoài giờ, kể cả ngày nghỉ để giải quyết hồ sơ, trả kết quả đúng hẹn cho người dân. Không những thế, do thiếu thốn cơ sở vật chất và trang thiết bị làm việc nên hiện nay, các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai hầu hết đều phải mượn tạm phòng làm việc của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện; để khắc phục những khó khăn trước mắt do thiếu kho lưu trữ hồ sơ, máy in A3 để in giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thiếu máy scan... các cán bộ, nhân viên chi nhánh phải sử dụng máy ảnh hoặc điện thoại có chức năng chụp ảnh để chụp hồ sơ chuyển lên Văn phòng cấp tỉnh lưu vào hệ thống. * Cùng vượt khó Để hoàn thành tiến độ thành lập, nâng cao hiệu quả các Văn phòng, ông Phấn kiến nghị, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ thành lập Văn phòng đăng ký đất đai, quan tâm đầu tư, tạo điều kiện nâng cao năng lực của Văn phòng đăng ký đất đai cả về tổ chức bộ máy, cán bộ, trang thiết bị, trụ sở làm việc, cơ chế hoạt động và quy chế phối hợp giữa Văn phòng đăng ký các cấp phù hợp yêu cầu quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục hỗ trợ kinh phí để các địa phương xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai. Bên cạnh sự hỗ trợ của Trung ương, các địa phương cũng cần dành nguồn lực cho công tác này. Bởi việc thiết lập Văn phòng đăng ký đất đai một cấp về lâu dài sẽ giúp cho việc quản lý tài nguyên đất đai một cách minh bạch. Cơ sở dữ liệu đất đai sẽ được thống nhất, dễ dàng trong việc sử dụng đa mục tiêu. Người dân được tiếp cận các dịch vụ đất đai một cách thuận tiện, rõ ràng. Nhìn trên các lợi ích lâu dài đó, các cấp, ngành sẽ có những động lực để vượt khó.