Cao Bằng: Khó tìm mặt bằng cho doanh nghiệp thuê sản xuất kinh doanh

Đăng lúc: Thứ năm - 13/03/2014 15:49 - Người đăng bài viết: admin

Cao bằng

Cao bằng

Hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Cao Bằng có nhu cầu rất lớn về mặt bằng để sản xuất, kinh doanh (SXKD). Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc tạo mặt bằng cho các doanh nghiệp khi có nhu cầu để SXKD còn gặp khó khăn.
Hiện Cao Bằng không có sẵn quỹ đất công để quy hoạch, bố trí đất cho doanh nghiệp thuê SXKD. Để có mặt bằng, tỉnh phải tiến hành thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng. Mặt khác, theo quy định của Luật Đất đai, hầu hết các dự án do doanh nghiệp đầu tư phải tự thỏa thuận với người dân để có mặt bằng; việc bảo vệ nghiêm ngặt quỹ đất nông nghiệp nói chung và đất chuyên trồng lúa nói riêng cũng là nguyên nhân khó khăn trong giải quyết mặt bằng cho các doanh nghiệp.

Hiện nay, tỉnh chỉ có duy nhất một Khu công nghiệp Đề Thám (Thành phố). Đây có thể coi là quỹ đất "sạch" có khả năng đáp ứng cho nhu cầu của các nhà đầu tư. Tuy Khu công nghiệp này được triển khai xây dựng từ năm 2007 nhưng đến nay, công tác giải phóng mặt bằng mới được 60% khối lượng (đang san gạt), chưa có hệ thống đường, điện, nước... Hiện tại ở đây mới chỉ có nhà máy của Công ty cổ phần Thuốc lá Cao Bằng hoạt động. Ngoài ra, Cụm công nghiệp Chu Trinh (Thành phố) mới đang cho chủ trương để chuyển các nhà máy đến khu vực đó; Cụm công nghiệp Tà Lùng (Phục Hòa) đã có quy hoạch nhưng chưa đầu tư hạ tầng.

Ông Hoàng Mạnh Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Miền Tây cho biết: Hiện Công ty đang phải thuê mặt bằng diện tích 1 ha tại địa bàn xã Bạch Đằng (Hòa An) để làm vườn ươm các giống cây lâm nghiệp, cây ăn quả. Song, để vườn ươm có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất cần có diện tích 3 - 5 ha mới. Bên cạnh đó, Dự án trồng chè chất lượng cao của Công ty tại Phja Đén, xã Thành Công (Nguyên Bình) đã được tỉnh cho chủ trương, Công ty cần thuê đất lâu dài và đã được Sở Xây dựng nhất trí, trình UBND tỉnh từ cuối năm 2011 nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết vì liên quan đến quy hoạch chung của khu vực Phja Oắc - Phja Đén... Theo ông Ngọc, dự án này không chỉ đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp mà còn có triển vọng rất lạc quan để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương, việc chậm trễ giải quyết thủ tục sẽ làm cho doanh nghiệp mất cơ hội đầu tư.

Theo đồng chí Nguyễn Thành Hải, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Cao Bằng: Trên thực tế nhiều doanh nghiệp thường muốn tìm địa điểm, cơ sở SXKD do mình lựa chọn ngoài khu công nghiệp để phù hợp với thị trường, việc vận chuyển..., dẫn đến vướng mắc về mặt thủ tục (xin chủ trương, xin cấp Giấy Chứng nhận đầu tư, xin địa điểm, giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất...). Các doanh nghiệp nếu có nhu cầu, lập thủ tục xin cần chỉ rõ vị trí, địa điểm, nếu đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn như nằm trong quy hoạch, không ảnh hưởng đến môi trường, bảo vệ đất nông nghiệp... sẽ được giải quyết. Cùng quan điểm như trên, ông Đoàn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và Giải phóng mặt bằng Thành phố Cao Bằng chia sẻ: Tỉnh đã có nhiều nỗ lực tạo thuận lợi trong thủ tục cấp đất cho doanh nghiệp, tuy nhiên diện tích, vị trí đất phải phù hợp với quy hoạch. Để vừa thuận tiện cho SXKD, vừa thuận lợi cho quy hoạch thì đây là bài toán khó cho nhà quản lý.

Mặt bằng Khu công nghiệp Đề Thám (Thành phố) đang trong giai đoạn san ủi.

 

Theo quy định, việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất phải căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt. Tuy nhiên, thực tế đến nay trên địa bàn tỉnh còn thiếu các quy hoạch chi tiết dẫn đến khó khăn trong việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh bị chậm 2 năm so với tiến độ nên việc thẩm định quy hoạch sử dụng đất của 13/13 huyện, Thành phố chậm, do vậy các căn cứ quản lý về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cũng chưa có đủ căn cứ pháp lý để thực hiện đối với những địa bàn có dự án đầu tư.

Ngoài ra, những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng cũng ảnh hưởng đến việc bàn giao đất cho doanh nghiệp. Do cơ chế chính sách về đất đai, giá đất nhiều lần được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung tạo ra sự khác nhau giữa các dự án, giữa người giải tỏa bàn giao mặt bằng trước với người giải tỏa bàn giao mặt bằng sau, tạo ra tư tưởng chờ đợi kéo dài. Một số nhà đầu tư theo quy định phải ứng trước kinh phí để chi trả bồi thường, hỗ trợ tái định cư nhưng do năng lực tài chính hạn chế nên không đáp ứng kịp thời nguồn để chi trả bồi thường. Đa số các nhà đầu tư chỉ muốn thuê đất tại những khu vực thuận lợi về giao thông, chủ yếu là diện tích đất nông nghiệp, đặc biệt là đất bằng, đất trồng lúa.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang SXKD, cùng với các cơ chế chính sách khác, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1234/QĐ-UBND ngày 12/9/2012 về giãn nộp tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất. Trong năm 2012, tỉnh đã thẩm định 26 hồ sơ (tổng số tiền trên 26,8 tỷ đồng), phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, thời gian thẩm định được rút ngắn từ 15 ngày (theo quy định) xuống còn 10 ngày; không có hồ sơ tồn đọng. Các huyện cũng đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ thuộc thẩm quyền, gồm 88 công trình (tổng số tiền trên 186,5 tỷ đồng) bàn giao cho chủ đầu tư. Đến nay, tỉnh đã có quyết định giao đất 174 dự án, công trình với tổng diện tích 179,5 ha; cho thuê đất 69 dự án với diện tích 473,3 ha; chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích 6,8 ha cho 6 doanh nghiệp.   

Mục tiêu hàng đầu của doanh nghiệp là lợi nhuận. Nhưng đối với cơ quan quản lý Nhà nước việc giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp lại cần tuân theo các quy định một cách chặt chẽ. Do vậy giữa doanh nghiệp và nhà quản lý dường như chưa có tiếng nói chung. Để giải quyết vấn đề một cách thấu đáo cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp mang tầm vĩ mô, trong đó công tác quy hoạch phải ưu tiên quỹ đất để bồi thường, như: Đất sản xuất nông nghiệp, đất làm mặt bằng SXKD, dịch vụ...


Nguồn tin: Theo www.monre.gov.vn