Đăng lúc: Thứ hai - 28/11/2022 08:09
- Người đăng bài viết: Lê Minh Thùy
Trong khi thành phố Đà Nẵng tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến để đăng ký thực hiện thủ tục hành chính thì tỉnh Quảng Ngãi tích cực "gỡ vướng" thủ tục hành chính về đất đai.
Khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến
Tại Đà Nẵng, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang phối hợp với các đơn vị liên quan tích cực tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người dân, nhà đầu tư tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến để đăng ký thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai nhằm giảm thiểu thời gian, chi phí đi lại, chờ đợi... so với phương thức thực hiện trực tiếp.
Theo đó, thực hiện Công văn số 1998/UBND-STTTT ngày 13-4-2022 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc đẩy mạnh triển khai, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn thành phố, thời gian qua, Sở TN&MT đã phối hợp với các đơn vị triển khai một số ứng dụng công nghệ thông tin, chương trình chia sẻ thông tin, dữ liệu nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện TTHC thuộc lĩnh vực đất đai theo hình thức dịch vụ công trực tuyến và bước đầu đạt được một số hiệu quả nhất định.
Để nâng cao hiệu quả hơn nữa trong việc thực hiện TTHC lĩnh vực đất đai theo hình thức dịch vụ công trực tuyến và thực hiện Quyết định số 721/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28-6-2022, Sở TN&MT Đà Nẵng ban hành Công văn số 2661/STNMT-TTCNTT đề nghị các ngân hàng, văn phòng công chứng trên địa bàn thành phố hỗ trợ, chỉ dẫn cho người sử dụng đất nộp hồ sơ trực tuyến đối với những hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất, hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm… đã được công chứng.
Theo Sở TN&MT Đà Nẵng, thống kê từ ngày 1-1 đến ngày 31-5-2022, Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố và các chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai tại các quận, huyện đã tiếp nhận, xử lý 67.202 hồ sơ; trong đó có 23.034 hồ sơ tiếp nhận trực tuyến (chiếm 34,26%). Bên cạnh đó, công tác gửi thông báo thuế trực tuyến đạt hiệu quả cao với 12.694 thông báo thuế đã được gửi tin nhắn (qua điện thoại di động) cho công dân... Hiện 100% TTHC thuộc thẩm quyền của sở đã được thiết lập trực tuyến không chỉ mang lại nhiều lợi ích thiết thực đối với người dân, doanh nghiệp mà còn giúp sở theo dõi tiến trình giải quyết các hồ sơ, thủ tục, góp phần cải cách TTHC.
Đẩy nhanh giải quyết TTHC
Tại Quảng Bình, gần đây, số lượng người dân địa phương đến thực hiện các giao dịch TTHC về đất đai trên địa bàn thị trấn Kiến Giang tương đối lớn. Bởi vậy, các bộ phận liên quan của địa phương, nhất là công chức địa chính-xây dựng luôn làm việc hết công suất để giải quyết nhu cầu của nhân dân.
Tại huyện Lệ Thủy, để “gỡ vướng” TTHC về đất đai, huyện đã ban hành hơn 20 văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến kiểm soát TTHC; lồng ghép vào các phiên họp thường kỳ, chuyên đề của UBND huyện để chỉ đạo triển khai thực hiện.
Đồng thời, huyện Lệ Thủy cũng đã giao Văn phòng HĐND, UBND huyện thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các phòng, ban, đơn vị, các xã, thị trấn thực hiện; phối hợp với các đơn vị cấp tỉnh trong giải quyết TTHC đối với các hồ sơ liên thông; thường xuyên đôn đốc các đơn vị về việc thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC trên ứng dụng Zalo; bố trí cán bộ của các phòng, ban liên quan, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện, bố trí thêm cán bộ thực hiện tiếp nhận TTHC tại Bộ phận một cửa huyện…
Huyện Lệ Thủy cũng chỉ đạo Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai tùy theo lượng người đến giao dịch giải quyết TTHC hàng ngày để có phương án bố trí thêm nhân lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến giải quyết TTHC một cách thuận lợi nhất.
Vừa qua, UBND huyện đã tổ chức làm việc với Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện để chấn chỉnh tình trạng hồ sơ chậm giải quyết. UBND huyện cũng đã yêu cầu rà soát, luân chuyển các cán bộ phụ trách của chi nhánh và cán bộ địa chính công tác lâu năm trên 1 vị trí để tránh tình trạng nhũng nhiễu…