Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập ngành Quản lý đất đai Việt Nam- Tự hào và trách nhiệm

Đăng lúc: Thứ sáu - 02/10/2020 18:46 - Người đăng bài viết: Lê Minh Thùy

Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập ngành Quản lý đất đai Việt Nam- Tự hào và trách nhiệm

Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập ngành Quản lý đất đai Việt Nam- Tự hào và trách nhiệm

Trong không khí lịch sử hào hùng của Cách mạng tháng Tám, ngày 03/10/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 41, mở đầu cho hoạt động quản lý đất đai của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và bắt đầu đánh dấu cho quá trình xây dựng, trưởng thành và phát triển của ngành Quản lý đất đai Việt Nam. Hôm nay, 02 tháng 10 năm 2020, trong niềm hân hoan, tự hào, Tổng cục Quản lý đất đai đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt thân mật nhân kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ngành Quản lý đất đai Việt Nam (03/10/1945-03/10/2020) để các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Tổng cục cùng nhau ôn lại những trang sử truyền thống, những kỷ niệm nghề nghiệp và những trăn trở, mong muốn đối với ngành Quản lý đất đai trong tương lai.

 
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân phát biểu tại buổi lễ
 
Buổi gặp mặt được tổ chức trang trọng, ấm cúng tại hội trường trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đồng chí Trần Hồng Hà- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã gửi thư và lẵng hoa chúc mừng; Đồng chí Lê Minh Ngân- Ủy viên Ban cán sự Đảng Bộ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tham dự và phát biểu tại buổi gặp mặt.
 Tham dự buổi gặp mặt còn có các đồng chí nguyên là Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường: Bộ trưởng Mai Ái Trực, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, Thứ trưởng Triệu Văn Bé, Thứ trưởng Nguyễn Văn Đức, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Nguyễn Công Thành, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển, Thứ trưởng  Đặng Hùng Võ; các đồng chí nguyên là Lãnh đạo Tổng cục Quản lý ruộng đất, Tổng cục Địa chính, Tổng cục Quản lý đất đai: Tổng cục trưởng Tôn Gia Huyên, Tổng cục trưởng Bùi Xuân Sơn, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Đình Bồng, Phó Tổng cục trưởng Chu Văn Thỉnh…cùng các đồng chí là Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, Lãnh đạo các đơn vị, Lãnh đạo các đoàn thể trực thuộc Tổng cục qua các thời kỳ

 
Tổng cục trưởng Trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Thanh Khuyến phát biểu tại buổi lễ

Ngay thời kỳ đầu thành lập với đội ngũ cán bộ còn ít, điều kiện hoạt động còn hạn chế nhưng Ngành đã nỗ lực tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành và thực hiện nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về đất đai nói chung, đặc biệt là chính sách về ruộng đất đối với nông nghiệp, nông dân. Những quyết sách đúng đắn đã trở thành động lực quan trọng, hết sức to lớn trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, tạo thành khối liên minh công nông vững chắc là cơ sở cho quá trình phát triển đất nước. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ xâm lược ở miền Nam và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Ngành đã đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản để phục vụ phân vùng sản xuất tạo điều kiện quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh lớn, đồng thời tạo điều kiện xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng như thuỷ lợi, giao thông xây dựng đồng ruộng. Sau ngày đất nước thống nhất, công tác quản lý đất đai tập trung nhiệm vụ củng cố kinh tế xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam, tập trung và phát huy tư liệu sản xuất, gắn với xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật...qua đó đã góp phần tạo những bước đột phá lớn trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước.
 
Nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trưởng Phạm Khôi Nguyên tại buổi lễ
 
Bước vào thời kỳ đổi mới, các hoạt động của Ngành đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng góp phần đẩy mạnh sự nghiệp phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, công tác xây dựng thể chế ngày càng được đẩy mạnh, hệ thống chính sách về đất đai ngày càng phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nguồn lực đất đai đã trở thành nội lực to lớn thúc đẩy sản xuất phát triển, thu hút đầu tư nước ngoài, đất đai được sử dụng ngày càng có hiệu quả, được phân bổ hợp lý cho các ngành, lĩnh vực để đáp ứng yêu cầu ngày càng lớn của quá trình phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh lương thực, bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Sau hơn 30 năm thực hiện đổi mới, tổ chức Ngành đã không ngừng lớn mạnh được kiện toàn tổ chức từ Trung ương đến địa phương. Các hoạt động của Ngành quản lý đất đai đã đạt được nhiều thành tựu quan trong góp phần đẩy mạnh sự nghiệp phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, từng bước nắm chắc, quản chặt, khai thác có hiệu quả tài nguyên đất đai. Những chủ trương chính sách đúng đắn đã góp phần quan trọng giải phóng nguồn lực đất đai đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế; đảm bảo được an ninh lương thực; góp phần xoá đói giảm nghèo...thành tích của Ngành được thể hiện trên một số thành tưu nổi bật đó là:
  Công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật luôn được Ngành quan tâm thực hiện, theo đó đã bàn hành một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đồ sộ (Luật đất đai 1987, 1993, Luật sửa đổi, bổ sung năm 1998, 2001, Luật đất đai năm 2003 và 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành), góp phần giải quyết hầu hết các quan hệ đất đai, xóa bỏ nhiều rào cản, tháo gỡ vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, đảm bảo ổn định chính trị - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy sản xuất phát triển, phát huy nguồn lực đất đai và đảm bảo quyền của người sử dụng đất...
Công tác quản lý nhà nước về đất đai đã góp phần đảm bảo an ninh lương thực, xoá đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, nếu như trong các năm từ 1976 - 1980, nước ta phải nhập 5,6 triệu tấn gạo thì đến năm 2019 xuất khẩu gạo đã đạt 6,34 triệu tấn, thu nhập của dân cư nông thôn năm 2019 đạt 39,3 triệu đồng; bên cạnh đó trước yêu cầu công nghiệp hóa, đô thị hóa, tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, phát triển của khoa học công nghệ, năng suất cây trồng, Ngành đã báo cáo cáo Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép giảm diện tích đất trồng lúa xuống còn 3,76 triệu ha, diện tích đất chuyên trồng lúa là 3,1 triệu ha vừa để đảm bảo phù hợp với tiến trình phát triển trong tình hình mới, nhưng cũng vẫn đảm bảo và duy trì an ninh lương thực quốc gia; đồng thời cho phép chuyển đổi linh hoạt khoảng trên 400 nghìn ha đất trồng lúa để đảm bảo chủ động trước tác động của biến đổi khí hậu, nhu cầu của thị trường và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thu nhập cho nông dân.




Hoàn thiện công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, làm căn cứ để nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho các mục tiêu phát triển, quốc phòng, an ninh, thông qua quy hoạch sử dụng đất đã góp phần đảm bảo tính thống nhất trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, là cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, phân bổ và chủ động dành quỹ đất hợp lý đáp ứng nhu cầu đất đai cho xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu đô thị, thương mại, dịch vụ, các khu dân cư..., góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động và đảm bảo quốc phòng, giữ vững ổn định tình hình an ninh, chính trị - xã hội của cả nước và các địa phương.
Hoàn thành cơ bản việc cấp Giấy chứng nhận lần đầu đối với các loại đất theo Nghị quyết số 30/2012/QH12 của Quốc hội, góp phần đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền của người sử dụng đất, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, cả nước đã đo đạc lập bản đồ địa chính đạt trên 77% tổng diện tích tự nhiên; tỷ lệ cấp GCN lần đầu đạt trên 97% tổng diện tích các loại đất cần cấp. Kết quả này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai, bảo đảm điều kiện pháp lý cho người sử dụng đất thực hiện các quyền, nghĩa vụ hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật đất đai.
Nguồn lực về đất đai được phát huy, góp phần tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, đồng thời bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người sử dụng đất, lợi ích của nhà nước, chủ đầu tư; nguồn thu từ đất không ngừng tăng qua các năm, nếu năm 1994, nguồn thu từ đất chủ yếu từ thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế nhà đất và thuế chuyển quyền sử dụng đất, tổng thu chỉ khoảng 2.000 tỷ đồng mỗi năm, đến năm 2019 đã đạt trên 191,5 nghìn tỷ đồng, trung bình nguồn thu từ đất đóng góp từ 12% đến 15% cho ngân sách, cá biệt có những nơi nguồn thu từ đất chiếm tới trên 30% ngân sách địa phương.
Công tác cải cách thủ tục hành chính được tập trung chỉ đạo, đã cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tuc hành chính, phối hợp liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu về đất đai cho các ngành, lĩnh vực để góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc khơi thông nguồn lực đất đai để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đến nay 100% các huyện trên cả nước đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ địa chính, quản lý đất đai ở các mức độ khác nhau...


 

 
Trải qua những chặng đường lịch sử, Ngành Quản lý đất đai đã từng bước lớn mạnh và trưởng thành vững chắc, có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Những thành tựu của Ngành là kết quả của quá trình xây dựng, vun đắp, phát triển với nỗ lực, tâm huyết, trí tuệ của các thế hệ cán bộ công chức, viên chức và người lao động làm công tác quản lý đất đai, sự lãnh đạo toàn diện, sâu sát của Đảng, Nhà nước; là thành công của tinh thần đoàn kết, thống nhất, nỗ lực, quyết tâm từ Trung ương đến địa phương, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của các Ban, Bộ, ngành và đối tác quốc tế. Nhìn lại chặng đường 75 năm lịch sử phát triển của ngành cũng chính là dịp để giáo dục truyền thống cho thế hệ cán bộ làm công tác Quản lý hôm nay. Những thành quả mà Ngành đã đạt được là sự nỗ lực phấn đấu, sự hy sinh gian khổ của rất nhiều thế hệ cán bộ, người lao động đã từng nhiều năm đồng cam cộng khổ trên mỗi bước đường xây dựng và phát triển của Ngành. Thế hệ các cán bộ ngành Quản lý đất đai hôm nay sẽ ra sức phấn đấu, không ngừng học tập, sáng tạo xây dựng ngành Quản lý đất đai ngày một phát triển và vững mạnh, đóng góp to lớn hơn nữa cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước./.
 

Toàn cảnh buổi lễ
Tác giả bài viết: P.TH-VPTC

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn