Tổng cục Quản lý đất đai làm việc về xây dựng kế hoạch công tác 5 năm của Tổng cục
Đăng lúc: Thứ năm - 11/06/2020 10:19
- Người đăng bài viết: Lê Minh Thùy
Ngày 11 tháng 6 năm 2020, tại Trụ sở Tổng cục Quản lý đất đai, Tổng cục trưởng Lê Thanh Khuyến đã chủ trì buổi làm việc với các đơn vị về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của Tổng cục. Tham dự buổi làm việc có các Phó Tổng cục trưởng: Mai Văn Phấn, Chu An Trường, Đoàn Thị Thanh Mỹ và đại diện các đơn vị trực thuộc của Tổng cục. Thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; các Công văn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: số 3889/BKHĐT-TH ngày 16 tháng 6 năm 2020 về Đề cương báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và số 4201/BKHĐT-TH ngày 30 tháng 6 năm 2020 về việc Đề cương chương trình hành động thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Tổng cục Quản lý đất đai tổ chức xây dựng kế hoạch 5 năm 2021-2025 thuộc lĩnh vực đất đai trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Toàn cảnh buổi làm việc
Ngay từ năm đầu tiên bước vào thực hiện kế hoạch 2016-2020, mặc dù có nhiều thuận lợi, nhưng ngành TN&MT cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức to lớn. Nhiều vấn đề tồn tại tích tụ từ trước đây như cơ chế chính sách, mô hình tăng trưởng thiếu bền vững dựa vào tài nguyên, nhân lực giá rẻ, thâm dụng vào môi trường, suy thoái, lãng phí trong sử dụng tài nguyên, khiếu kiện liên quan đến đất đai diễn biến phức tạp. Sự cố môi trường biển gây hậu quả nghiêm trọng tại 04 tỉnh miền Trung, đặt ra những thách thức to lớn về an ninh môi trường. Hạn hán diễn ra gay gắt tại các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, xâm nhập mặn nghiêm trọng chưa từng có ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo điều hành sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đối với lĩnh vực đất đai, Tổng cục xây dựng kế hoạch từng bước quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát huy nguồn lực đất đai vào phát triển sản xuất kinh doanh. Các nút thắt, điểm nghẽn về chính sách đất đai đã cơ bản được giải quyết, cùng với hoàn thành việc lập, phê duyệt điều chỉnh sử dụng đất đồng bộ ở 3 cấp; quá trình triển khai thực hiện Chính phủ đã có điều chỉnh vĩ mô để các địa phương, phát huy nguồn lực đất đai cho tăng trưởng, phát triển kinh tế, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Cả nước đã thực hiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để giải quyết nhu cầu nhà ở, phát triển sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng; trong 4 năm đã đưa hơn 63 nghìn ha đất chưa sử dụng vào các mục đích phát triển kinh tế -xã hội; chuyển dịch gần 76 nghìn ha đất cho phát triển hạ tầng, sản xuất kinh doanh, phát triển đô thị. Tình trạng sử dụng lãng phí đất đai đã được khắc phục căn bản, xử lý, thu hồi, hủy bỏ hơn 1.500 dự án với diện tích gần 30 nghìn ha. Hiệu quả sử dụng đất tăng gấp 2 lần so với giai đoạn trước. Hoàn thành sắp xếp nâng cao hiệu quả sử dụng đối với 2 triệu ha đất của các công ty nông, lâm nghiệp; thu hồi chuyển cho các địa phương hơn 400 nghìn ha. Thực hiện các quy định về giao đất, tăng cường đấu giá đất đã ngăn ngừa đầu cơ, tăng thu từ đất, chiếm 12%-15% thu ngân sách nội địa hàng năm, trong đó năm 2019 đạt 192 nghìn tỷ đồng gấp gần 2,5 lần năm 2015. Công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã có chuyển biến rõ rệt, đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền lợi của người sử dụng đất thu hồi, nhất là người nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp góp phần giảm khiếu kiện. Hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận đối với 97,36% diện tích cần cấp, tăng 3,3 triệu giấy so với năm 2016. Đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai của 185 huyện, quận; 8 tỉnh thành đã thực hiện liên thông thủ tục với cơ quan thuế. Nhiều địa phương đã thực hiện các mô hình, phương thức tập trung đất đai cho nông nghiệp công nghệ cao.
Lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai tại buổi làm việc
Phân bổ hợp lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, huy động tốt nhất nguồn lực từ đất để phát triển đất nước; bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, của người sử dụng đất và của nhà đầu tư Tập trung tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và thi hành Luật đất đai, để sửa đổi toàn diện Luật đất đai. Tăng cường quản lý quy hoạch, bảo đảm tính công khai, minh bạch, dễ tiếp cận thông tin của người dân; nghiên cứu triển khai quy hoạch không gian ngầm. Thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai. Hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai tập trung, thống nhất, đa mục tiêu, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đất đai ở các đô thị, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, chỉ số “đăng ký đất đai” và “chất lượng quản lý hành chính đất đai” tăng 5 - 10 bậc so với năm 2020. Hoàn thiện cơ chế và điều kiện thực thi để tổ chức phát triển quỹ đất tạo quỹ đất sạch đấu giá quyền sử dụng đất. Kiểm soát chặt chẽ và công khai, minh bạch trong việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, hoạt động sản xuất và đời sống của người có đất thu hồi. Xây dựng lưới giá đất, thửa đất chuẩn, thông tin giá đất thị trường và bản đồ giá đất. Hoàn thành việc sắp xếp, rà soát, đo đạc, lập hồ sơ địa chính, giao đất, cho thuê đất hoặc bàn giao lại cho các địa phương quản lý, sử dụng hiệu quả, giải quyết nhu cầu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số đối với quỹ đất có nguồn gốc của các nông, lâm trường quốc doanh. Triển khai các mô hình tập trung, tích tụ đất đai phù hợp với điều kiện của từng địa phương; điều tra, cải tạo khắc phục tình trạng thoái hóa đất, suy giảm chất lượng đất.
Kết thúc buổi làm việc, Tổng cục trưởng Lê Thanh Khuyến chỉ đạo các đơn vị nghiêm túc, khẩn trương thực hiện, trong tình hình diễn biến khó lường của dịch bệnh cần phải bắt tay ngay vào triền khai các nhiệm vụ trọng tâm của Tổng cục. Các Phó Tổng cục trưởng phụ trách cần chủ động, tích cực đôn đốc các đơn vị bám sát vào chương trình, kế hoạch nhiệm vụ công tác trong năm 2020 và 5 năm tới, phấn đầu hoàn thành thắng lợi mọi mục tiêu đã đề ra./.