Đăng lúc: Chủ nhật - 08/06/2014 22:48
- Người đăng bài viết: admin
lúa gạo
Là tỉnh có thế mạnh về ngành chế biến lương thực, tỉnh Vĩnh Long hiện có gần 650 nhà máy xay xát, chế biến lúa gạo tập trung ở 3 huyện: Long Hồ, Trà Ôn và Tam Bình. Qua khảo sát của ngành chức năng, với sản lượng xay xát và lau bóng gạo trên 1,2 triệu tấn/năm, bình quân ngành chế biến lúa gạo trên địa bàn tiêu thụ năng lượng điện hơn 41,6 triệu Kwh. Tỉnh Vĩnh Long khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng các mô hình quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, khai thác hợp lý các nguồn năng lượng gắn với bảo vệ môi trường.
Công ty Lương thực Vĩnh Long đã đầu tư kho chứa và các dây chuyền chế biến lúa gạo tại các xí nghiệp theo hướng hiện đại và khép kín từ khâu mua lúa ướt đầu vào đến sản phẩm đầu ra là gạo thành phẩm. Đối với công đoạn sấy lúa, do người nông dân thường bán lúa tươi tại đồng với ẩm độ rất cao, nếu đưa vào tháp sấy ngay mất nhiều thời gian và tiêu hao nhiều năng lượng. Để rút ngắn thời gian sấy, Công ty đầu tư lắp đặt tầng sôi để làm giảm độ ẩm của lúa và làm sạch các tạp chất trước khi đưa vào các tháp sấy, qua đó rút ngắn thời gian sấy và tiết kiệm lượng nhiên liệu. Dây chuyền máy xay lúa được thiết kế phục vụ cho lò đốt dây chuyền xát trắng lau bóng gạo. Công ty đầu tư dây chuyền ép viên trấu năng suất 4 tấn/giờ tận dụng trấu và tạp chất trong dây chuyền sấy lúa để ép thành viên cung cấp cho các lò đốt, lò sấy…, qua đó tiết kiệm từ 40 - 50% chi phí nhiên liệu so với dùng than đá hoặc dầu DO đồng thời giảm lượng chất thải ra môi trường.
Theo ông Dương Lê Dũng, Giám đốc Công ty Lương thực Vĩnh Long, hiện nay dây chuyền xát trắng - lau bóng gạo của công ty với năng suất 32 - 48 tấn nguyên liệu/giờ có tổng công suất tiêu thụ điện trên 2.600 Kwh. Doanh nghiệp hạn chế sản xuất vào giờ cao điểm, lắp đặt thùng chứa đảm bảo dây chuyền hoạt động liên tục vào giờ thấp điểm và tùy theo yêu cầu chế biến của từng loại gạo để ngắt bớt hoạt động của một số động cơ trong dây chuyền máy, lắp đặt các thiết bị biến tần, giảm bớt công suất tiêu thụ năng lượng điện.
Mô hình lắp đặt biến tần, tận dụng phế phẩm để làm nguyên liệu cung cấp nhiệt phục vụ quy trình sản xuất trong ngành chế biến lương thực đang được nhân rộng ở Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vĩnh Long, Công ty cổ phần Lương thực – thực phẩm Vĩnh Long, Công ty trách nhiệm hữu hạn Phước Thành IV, qua đó giảm chi phí năng lượng, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Minh Tho, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long cho biết: Hiện nay năng lực triển khai các cơ chế hỗ trợ, giám sát thực hiện các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả còn hạn chế, công tác truyền thông về chính sách tiết kiệm năng lượng chưa sâu rộng, doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư trang thiết bị , thiếu nhân lực…là những khó khăn trong nhân rộng mô hình quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn.
Tỉnh Vĩnh Long kiến nghị Bộ Công Thương cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin, giới thiệu giải pháp công nghệ mới, tư vấn kiểm toán năng lượng, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phù hợp với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đồng thời hỗ trợ nguồn vốn tín dụng ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm và hiệu quả trong sản xuất kinh doanh.