Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có giải pháp khắc phục ngay tình trạng hoang hóa đất lúa

Đăng lúc: Thứ ba - 08/11/2022 16:10 - Người đăng bài viết: Lê Minh Thùy

Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có giải pháp khắc phục ngay tình trạng hoang hóa đất lúa

Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có giải pháp khắc phục ngay tình trạng hoang hóa đất lúa

“Bộ Tài nguyên và Môi trường cần khẩn trương tiến hành thống kê chính xác hiện trạng đất lúa nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa, có giải pháp kiên quyết trong việc quản lý, giữ hiện trạng đất lúa, khắc phục ngay tình trạng hoang hóa và cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ thỏa đáng cho người nông dân, nhất là chính sách trợ giá lúa để người nông dân, những người nuôi cả xã hội luôn luôn phải chịu thiệt thòi yên tâm với nghề trồng lúa”.

 

 Tại Phiên thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 ngày 31/10, đại biểu Nguyễn Công Long, Đoàn Đại biểu Quốc hội Đồng Nai đã kiến nghị như vậy. Theo đại biểu Nguyễn Công Long, vấn đề đảm bảo an ninh lương thực luôn được Đảng và Nhà nước ta coi là nhiệm vụ hàng đầu. Hai năm qua, nhờ có nền sản xuất nông nghiệp vững chắc, dự trữ lương thực dồi dào, chúng ta đã vượt qua đại dịch.

Bởi vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 39 về kế hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đặt chỉ tiêu đảm bảo 3,5 triệu hecta đất trồng lúa. Đây là quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng, Nhà nước ta nhằm cụ thể hóa Kết luận số 81 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030. Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy vấn đề việc có giữ được 3,5 triệu hecta đất trồng lúa hay không đang đặt ra rất nhiều thách thức.

Đại biểu Nguyễn Công Long, Đoàn Đại biểu Quốc hội Đồng Nai

Trước hết, về công tác quản lý nhà nước, Luật Đất đai đã quy định chặt chẽ các trường hợp thu hồi đất do vi phạm quản lý đất đai. Ví dụ, theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 64 thì trường hợp đất trồng cây hằng năm không được sử dụng quá thời hạn trong thời hạn 12 tháng liên tục. Đất trồng cây lâu năm không được sử dụng thời hạn 18 tháng liên tục, đất trồng rừng không được sử dụng thời hạn 24 tháng liên tục thì nhà nước sẽ thu hồi.

 Tuy nhiên, quá trình làm việc với Đoàn giám sát, các nội dung trên theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì không có trong chỉ tiêu thống kê hằng năm nên Bộ Tài nguyên và Môi trường không có số liệu báo cáo Đoàn giám sát hiện nay hiện trạng đất canh tác là bao nhiêu, đặc biệt là đất lúa. Như vậy, công tác quản lý đang có lỗ hổng rất lớn, nhiều năm qua chưa nắm rõ hiện trạng đất nông nghiệp, đặc biệt là đất canh tác.

Kết quả giám sát cho thấy nhiều nơi buông lỏng quản lý, người dân tự ý chuyển đổi đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản. Tại nhiều địa phương, diện tích đất không thể trồng lúa nhưng vẫn được thống kê là đất lúa và diện tích rất lớn đất trồng lúa nay không thể trồng lúa do tác động về mưu sinh, môi trường, do ô nhiễm…

Bên cạnh đó, do yêu cầu phát triển kinh tế, nhất là xây dựng hạ tầng giao thông, phát triển công nghiệp, diện tích đất lúa bị thu hồi ngày càng lớn. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường thập niên 2000 bình quân mỗi năm trên 70.000 hecta đất nông nghiệp bị thu hồi; Việc Quốc hội giao thẩm quyền cho nhiều tỉnh được áp dụng cơ chế đặc thù nhiều Hội đồng nhân dân địa phương cấp tỉnh được chuyển đổi đất lúa thì diện tích đất lúa sẽ được chuyển đổi sang mục đích khác ngày càng nhiều.

Ngoài ra, do biến đổi khí hậu diện tích đất lúa bị nhấn chìm hoặc phải chuyển đổi là rất lớn. Dự báo cho thấy Việt Nam sẽ là một trong 5 nước chịu thiệt hại nặng nhất trên thế giới. Với kịch bản nước biển dâng 1 mét thì ước tính sản lượng lương thực cả nước sẽ giảm khoảng 5 triệu tấn.

Những yếu tố trên cho thấy, chúng ta đang đứng trước nguy cơ lớn như thế nào. Bên cạnh đó, từ lâu đã xuất hiện có một tâm lý so bì tại một số địa phương khi cho rằng đồng bằng sông Cửu Long đang phải gánh nhiệm vụ bảo đảm lương thực cho cả nước và ý kiến này cho rằng các tỉnh thuộc vựa lúa cũng phải được phát triển công nghiệp như các địa phương khác.

Qua kết quả giám sát cho thấy, cơn sốt chuyển đổi đất lúa sang làm khu công nghiệp thời gian qua đã cho thấy sự lãng phí rất nghiêm trọng và thể hiện ngay từ khâu quy hoạch. Nhiều nơi do nôn nóng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã dùng "bờ xôi, ruộng mật" để triển khai các dự án công nghiệp, dịch vụ, du lịch và hiệu quả mang lại không tương xứng. Nhiều tỉnh mở các khu công nghiệp liền kề nhau trên đất lúa, thu hút các dự án giống nhau nên không có khả năng thu hồi, lấp đầy các khu công nghiệp, trong khi đó các địa phương khác thì đất còn dồi dào, đất bạc màu, bỏ không và không phát triển được.

Nhìn sang các nước khác chúng ta có thể thấy đã có những bài học rất nhãn tiền về việc phá đất lúa để phát triển công nghiệp như Philippines chẳng hạn. Philippines từng là nước có thành tích rực rỡ về nông nghiệp, Viện lúa thế giới cũng đặt tại đây, nhưng qua cơn sốt công nghiệp thế kỷ trước thì Philippines ngày nay đang phải vật lộn với tình trạng thiếu lương thực. Suốt mấy chục năm qua, nước này đang trở thành quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam và 9 tháng đầu năm nay đã nhập đến 2,4 triệu tấn gạo của tại Việt Nam. Tình cảnh của nước bạn cho thấy rằng câu nói thấm thía của cha ông ta để lại là "hết gạo chạy rông" như thế nào.

Từ thực tế nêu trên, Đại biểu đề nghị nhiệm vụ cấp thiết của các bộ, ngành, địa phương cần có sự nhận thức và thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, nghị quyết của Quốc hội và pháp luật đất đai trong việc bảo đảm đất lúa.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cần khẩn trương tiến hành thống kê chính xác hiện trạng đất lúa nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa, có giải pháp kiên quyết trong việc quản lý, giữ hiện trạng đất lúa, khắc phục ngay tình trạng hoang hóa và cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ thỏa đáng cho người nông dân, nhất là chính sách trợ giá lúa để người nông dân, những người nuôi cả xã hội luôn luôn phải chịu thiệt thòi yên tâm với nghề trồng lúa.

 


Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn