Hà Nội: Liên thông các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, nhà ở, thuế

Đăng lúc: Thứ năm - 13/03/2014 15:43 - Người đăng bài viết: admin

Hà Nội

Hà Nội

Ngày 1/8, Sở Tư pháp thành phố Hà Nội tổ chức thảo luận, lấy ý kiến đóng góp xây dựng mô hình liên thông các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai, nhà ở, thuế. Đây là sáng kiến nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà cho người dân khi phải đến cơ quan chức năng thực hiện các thủ tục hành chính.
Đại diện các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cùng một số tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tham gia đóng góp ý kiến phản ánh thực trạng hoạt động, để từ đó xây dựng mô hình liên thông các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai, nhà ở, thuế cho phù hợp, mang lại lợi ích cho người dân. 

 Theo quy trình hiện tại, cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện chuỗi thủ tục liên quan đến quyền sử dụng đất, sở hữu tài sản gắn liền với đất phải hai lần nộp hồ sơ tại hai cơ quan là tổ chức công chứng, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất với chung một số thành phần hồ sơ và thủ tục giống nhau. Ngoài ra, cá nhân, tổ chức phải đi lại nhiều lần như: đi công chứng, làm thủ tục liên quan đến đất đai về chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp..., đến cơ quan thuế hoàn thành các nghĩa vụ tài chính theo quy định, trở lại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để nộp hóa đơn thuế và nhận kết quả thủ tục, gây tốn kém chi phí khi thực hiện thủ tục hành chính.  

  Cùng với đó, sự tách biệt giữa công chứng và các thủ tục liên quan đến quyền của người sử dụng đất, sở hữu tài sản gắn liền với đất còn dẫn đến tình trạng hợp đồng đã được công chứng nhưng cá nhân, tổ chức chưa thực hiện ngay thủ tục đăng ký tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Từ đó, xuất hiện nhiều trường hợp tiếp tục ký kết, giao dịch hợp đồng với người thứ ba, thông tin, dữ liệu giữa công chứng và việc thực hiện quyền liên quan đến đất đai, nhà ở, tài sản gắn liền với đất bị cắt khúc, không liên tục, gây khó khăn cho công tác thống kê, cập nhật tình trạng biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất; thông tin liên quan trong hồ sơ địa chính thường lạc hậu hơn so với thực trạng đất đai trên thực tế.  

Khắc phục tình trạng kể trên, sáng kiến liên thông các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, nhà ở dự kiến đưa ra quy trình mới mà trong đó người yêu cầu công chứng chỉ phải đi lại hai lần với đầu mối tại tổ chức hành nghề công chứng và nhận kết quả tại đây. Các hoạt động đến Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để thực hiện thủ tục tiếp theo, đến cơ quan thuế thực hiện nghĩa vụ thuế sẽ do tổ chức hành nghề công chứng thực hiện. 

Nhiều đại biểu đánh giá đây là một sáng kiến tiên tiến, phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính của Chính phủ đang đặt ra và nếu triển khai được sẽ đảm bảo phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự băn khoăn về tính khả thi của sáng kiến trong điều kiện hiện tại. Đại diện Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì cho hay, hiện các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất còn cập nhật dữ liệu bằng phương pháp thủ công trên giấy chứ chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu trên máy. Các ý kiến cũng phản ánh thực trạng phối hợp chưa kịp thời, chặt chẽ giữa các tổ chức hành nghề công chứng và các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất như hiện nay sẽ rất khó khăn cho việc xây dựng quy trình liên thông. 

Ông Chu Văn Khanh, Chủ tịch Hội Công chứng Hà Nội cho rằng mô hình này khá hay, tuy nhiên để làm được trọn vẹn cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan. Qua thực tiễn hoạt động công chứng ở Hà Nội cho thấy: việc nghiên cứu cách thức giảm tối đa thủ tục, thời gian là rất cần thiết. Bởi trong nhiều trường hợp công chứng xong người dân mang hợp đồng đến các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để đăng ký nhưng mỗi văn phòng lại có quy trình cách thức tiếp nhận riêng nên thiếu sự thống nhất. Có văn phòng "bảo" công chứng chưa được, yêu cầu người dân quay về làm lại, khiến quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng. Do đó, ông Khanh nhấn mạnh, nếu liên thông, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và văn phòng công chứng phải phối hợp chặt chẽ, cụ thể với nhau thì quyền lợi của người dân mới được đảm bảo. Ông Khanh cũng đề xuất văn phòng công chứng nên là cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận ngay từ đầu, đồng thời phải quy định cụ thể trong thời gian bao lâu thì Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất phải trả lời cho văn phòng công chứng để ấn định thời gian cụ thể cho người dân, tránh cho người dân phải đi lại nhiều lần, tốn kém thời gian, chi phí. 

Ghi nhận các ý kiến phản ánh, ông Mai Thiện Thành, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp nhấn mạnh vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần mạnh dạn thay đổi tư duy để đảm bảo phục vụ tốt nhất nhu cầu, quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Trên cơ sở đó, xây dựng quy trình liên thông xem điểm đầu ở đâu, điểm cuối ở đâu, vướng ở đâu thì phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Ông Mai Thiện Thành cũng ghi nhận những đề xuất từ cơ sở sẽ là những sáng kiến giúp giảm thiểu thủ tục hành chính cho người dân và cho biết nhóm nghiên cứu của Cục sẽ tiếp tục thực hiện khảo sát thực tế tại các tổ chức hành nghề công chứng, các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tại Hà Nội và một số tỉnh, thành trong cả nước để bổ sung, hoàn thiện sáng kiến.


Nguồn tin: Theo www.monre.gov.vn

Những tin cũ hơn