Cần chế tài mạnh Để xử lý các quy hoạch treo, thời gian qua, Chính phủ đã trình Quốc hội sửa đổi các quy định về quy hoạch trong Luật Đất đai năm 2013, trong đó đã quy định: quy định điều kiện để nhà đầu tư được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư phải có các điều kiện có năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư; ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư; không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác (Khoản 3, Điều 58). Đồng thời, bổ sung quy định xử lý đối với trường hợp nhà đầu tư chậm đưa đất vào sử dụng (Điểm h và Điểm i, Khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai 2013). Trong đó, Nhà nước thu hồi đối với đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục. Đối với đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng. Liên quan tới các dự án treo ở Hà Nội, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND thành phố Hà Nội kiểm tra, xử lý nội dung phản ánh hơn 300 dự án "treo", "bỏ hoang" ở các địa bàn quận, huyện thành phố Hà Nội gây lãng phí tài nguyên đất. Theo nhiều chuyên gia, các cơ quan phải xem xét lại các vấn đề, trong đó phải đưa ra chiến lược phát triển, quy hoạch tổng thể từng khu vực. Các dự án thu hồi để tiếp tục triển khai thì cần đấu thầu, đấu giá chặt chẽ, minh bạch để lựa chọn được chủ đầu tư đủ năng lực, nếu không dự án “treo” lại tái diễn. Đồng thời, cần có chế tài xử phạt thật nặng đối với chủ đầu tư “om đất”, chậm một năm phạt theo phần trăm tiền sử dụng đất phải nộp như vậy, chủ đầu tư tự khắc sẽ phải có cách giải quyết đối với dự án. Khoản 1, Điều 6 của Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch đã sửa đổi Điều 49 Luật Đất đai năm 2013 để xử lý vấn đề quy hoạch treo nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân. Cụ thể, hộ gia đình, cá nhân được xây nhà trên đất quy hoạch treo nếu UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đồng ý cấp Giấy phép xây dựng. Khi được cấp Giấy phép thì cũng chỉ là xây dựng có thời hạn, không được sử dụng lâu dài như các khu vực khác.
Tác giả bài viết: PTH - VPTC
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
|